Dòng tiền khuất tất trong vụ phá rừng phòng hộ ở Phong Quảng

Một vụ phá rừng quy mô lớn vừa bị phanh phui tại phường Phong Quảng, thành phố Huế, làm lộ ra chuỗi sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, thanh lý rừng phòng hộ và dòng tiền có dấu hiệu bất minh liên quan đến nhiều cán bộ xã.

Điểm mấu chốt nằm ở biên bản thanh lý rừng do Ủy ban nhân dân xã Quảng Công ký ngày 19/2/2025

Điểm mấu chốt nằm ở biên bản thanh lý rừng do Ủy ban nhân dân xã Quảng Công ký ngày 19/2/2025

Theo báo cáo số 9295 của Ủy ban nhân dân thành phố Huế gửi Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/7/2025, lực lượng kiểm lâm địa phương phát hiện 3,14ha rừng ven biển tại tiểu khu 89, phường Phong Quảng bị khai thác trái phép. Trong đó có 2,58ha là rừng phòng hộ ven biển, không được phép khai thác. Hơn 1.400 cây keo lưỡi liềm bị đốn hạ. Đây là khu rừng thuộc Dự án 661, trồng từ năm 2008, do UBND xã Quảng Công (nay là một phần của xã Phong Quảng) quản lý từ 2020 đến nay.

Điểm mấu chốt nằm ở biên bản thanh lý rừng do Ủy ban nhân dân xã Quảng Công ngày 19/2/2025 gồm các ông/bà Ngô Văn Tuấn, Phan Hoa, Trần Thái Phúc, Lâm Đô, Lê Nguyễn An, Lê Thị Thu Hà, Phan Thị Thùy Nhung, Lê Nguyễn Thị Hằng và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Thông cùng ký.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Quốc, trú tại thị xã Phong Điền, được mua "8ha rừng sản xuất với giá 85 triệu đồng". Tuy nhiên, diện tích được “chỉ điểm” khai thác thực tế lại bao gồm cả phần lớn rừng phòng hộ, và ông Quốc khai thác 3,14ha, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn nửa héc-ta.

Dòng tiền sau đó có dấu hiệu bị “chia lại”. Ban đầu, ông Quốc chuyển khoản 85 triệu đồng vào tài khoản của bà Cao Thị Thủy, thủ quỹ xã. Khi bị phát hiện sai phạm, Ủy ban nhân dân xã yêu cầu bà Thủy hoàn trả lại số tiền. Nhưng chỉ một ngày sau, ông Quốc tiếp tục chuyển 30 triệu đồng vào tài khoản cá nhân ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ, và trực tiếp đưa 35 triệu đồng tiền mặt cho ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch xã, ngay tại phòng làm việc.

Ngoài ra, cán bộ địa chính xã, ông Lê Nguyễn An đã trực tiếp chỉ rõ ranh giới rừng để ông Quốc tổ chức khai thác. Ông An cũng thường xuyên có mặt tại hiện trường suốt 12 ngày nhóm khai thác làm việc. Toàn bộ gỗ sau khi chặt được vận chuyển bằng 10 xe đến bán tại Công ty CP Năng lượng sinh học Huế với giá 900.000 đồng mỗi tấn.

Đáng chú ý, hoạt động thanh lý rừng nói trên còn được hợp thức hóa bằng một cuộc họp của Đảng ủy xã mở rộng do Bí thư xã Lê Duận chủ trì, thể hiện thống nhất chủ trương “thanh lý rừng gãy đổ do bão”, dù không có kết luận chính thức nào về thiệt hại do thiên tai. Biên bản thanh lý cũng không có căn cứ phân định rõ ranh giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Vụ việc hiện đã được chuyển cho Công an thành phố Huế điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan trước ngày 22/7/2025.

Vụ phá rừng tại Phong Quảng không đơn thuần là hành vi chặt hạ cây trái phép, mà là một chuỗi sai phạm có tổ chức, hợp thức hóa giấy tờ, phân chia dòng tiền sau lưng tập thể. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự buông lỏng ngay tại cấp cơ sở trong bối cảnh mô hình chính quyền 2 cấp đang được triển khai.

Dương Quang Tiến

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-tien-khuat-tat-trong-vu-pha-rung-phong-ho-o-phong-quang-post893813.html
Zalo