Đồng Tháp: Sạt lở bờ sông Tiền ngày càng nghiêm trọng
Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, đoạn qua thủy phận tỉnh Đồng Tháp ngày càng nghiêm trọng, đến năm 2025, tỉnh còn 13 công trình xử lý ngăn chặn sạt lở cần xử lý.
Ngày 20-8, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết đơn vị vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ điều kiện thực tế của địa phương chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp cần thiết, bảo đảm kịp thời, hiệu quả để kiểm soát, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, sạt lở bờ sông gây ra.
Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác chủ động phòng, chống thiên tai và sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ; ứng phó với mưa lũ, dông lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông; triển khai thực hiện phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu.
Sở NN&PTNT chủ động theo dõi, tổ chức kiểm tra diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo tình hình sạt lở ở các địa phương và đề xuất các giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, phối hợp với địa phương xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn.
Sở NN&PTNT được giao nghiên cứu, điều tra, đánh giá hành lang sạt lở sông, kênh, rạch nội đồng nhằm đề xuất phương án quản lý chặt chẽ, có biện pháp xử lý những vi phạm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông, kênh rạch nội đồng…
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình sạt lở bờ sông trong những năm gần đây hết sức phức tạp gây ra nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, các khu vực kinh tế quan trọng của tỉnh, các khu đô thị cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sinh sống dọc theo hai bên bờ sông. Giai đoạn 2018 - 2022, diện tích đất bị xói lở 36,7 ha, thiệt hại ước tính 88 tỉ đồng.
Đến nay tỉnh đã tổ chức di dời được 8.379 hộ dân đến nơi ở an toàn, còn 5.973 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở (131,9 km) cần phải di dời.
Nguyên nhân sạt lở chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở..
Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định và do các dòng sông bị đói phù sa.
Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng người dân và cơ sở hạ tầng, thời gian qua Đồng Tháp đã thực hiện nhiều công trình kè chống sạt lở và đã phát huy được hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khu vực sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm nhưng vẫn chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình. Cụ thể, tính đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh còn 13 công trình với chiều dài khoảng 46,32 km cần có giải pháp xử lý ngăn chặn sạt lở với kinh phí khoảng 9.640 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Đồng Tháp, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền ngày càng nghiêm trọng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra năm vụ sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài sạt lở 0,25 km, diện tích sạt 0,688 ha, ảnh hưởng đến ba căn nhà, làm hư hại hoàn toàn 02 kè (do tổ chức, cá nhân xây dựng).
Sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra ở huyện Thanh Bình và Cao Lãnh với chiều dài khoảng 21 km, diện tích sạt 1,25 ha, ước thiệt hại 7,62 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở ở sông, kênh rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong những năm gần đây xảy ra nhiều hơn, có diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.