Đồng Tháp khẳng định vị thế tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số

Năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong cải cách hành chính (CCHC) và xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu phát triển chính quyền số.

Nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tập trung trên 3 ngành: Nông nghiệp, giáo dục, y tế; đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động, thân thiện, phục vụ nhân dân.

Đồng Tháp: Đồng Tháp quyết liệt cải cách hành chính đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số.

Đồng Tháp: Đồng Tháp quyết liệt cải cách hành chính đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch CCHC, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2024; cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các mô hình CCHC với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2021 - 2026.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tập trung thực hiện các mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC, như: Vận hành Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đầu tư; thực hiện kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-DongThap đến Tổng đài 1022 và đánh giá sự hài lòng của người dân qua kết quả phản hồi các phản ánh, kiến nghị từ Tổng đài 1022; hoàn thiện các kênh tra cứu tiến độ hồ sơ giải quyết TTHC và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức biết, sử dụng.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình “Không gian hành chính phục vụ” và mô hình “Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp”, nhân rộng thực hiện cho toàn tỉnh. Các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong công tác CCHC, như: Sở Giao thông Vận tải thực hiện mô hình: “Công dân không viết trong cấp đổi Giấy phép lái xe”, “Đổi Giấy phép lái xe trong 2 giờ”; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện mô hình: “Hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận Một cửa”; Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mô hình: “Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh qua ứng dụng Zalo, TeamViewer, UltraViewer”,...

Huyện Hồng Ngự thực hiện mô hình: “Ngày thứ 7 chứng thực 4.0 và trả kết quả tại nhà”; Thành phố Hồng Ngự với mô hình “Tiếp nhận thông tin phản ánh qua ứng dụng TP Hồng Ngự Smart và Tổng đài trí tuệ nhân tạo 19008996 (IOC)”; Thành phố Cao Lãnh với mô hình: “Công an thành phố Cao Lãnh hướng về cơ sở trong công tác giải quyết TTHC”; “Hồ sơ không hẹn - Ứng dụng mã QR Code tra cứu nhanh hồ sơ mẫu”; Thành phố Sa Đéc với mô hình: “Đội hỗ trợ dịch vụ công miễn phí”; “Ngày không chờ giải quyết TTHC cho nhân dân trên địa bàn xã”; Huyện Thanh Bình với mô hình: “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ năm không hẹn”; “Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến”; Huyện Tân Hồng với mô hình: “Ứng dụng mã QR tra cứu TTHC”; Huyện Tam Nông với mô hình: “Hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại trụ sở ấp”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày không hẹn”,…

Những việc làm trên thể hiện quyết tâm và mong muốn của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng như các ngành, các cấp trong việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nhất là xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ, công khai, minh bạch đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới.

Đồng Tháp: Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các sở, ngành, lãnh đạo huyện gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính

Đồng Tháp: Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng các sở, ngành, lãnh đạo huyện gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án: “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 20230”, đã hoàn thành dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin, dự án Nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ Chính quyền số và an toàn thông tin mạng, bổ sung về hạ tầng cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, bảo đảm hoạt động và an toàn thông tin cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Sau khi được nâng cấp hạ tầng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Đồng Tháp hoạt động ổn định, thông suốt và bảo đảm an toàn thông tin. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nâng cấp ứng dụng e-Đồng Tháp và Tổng đài 1022 hỗ trợ người dân tra cứu tình trạng giải quyết TTHC, phản ánh, kiến nghị những bất cập khó khăn hoặc gửi yêu cầu hỗ trợ trong việc giải quyết TTHC.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 3 Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC), gồm: Cấp tỉnh đặt tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp và 2 Trung tâm tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Hồng Ngự. Các trung tâm vận hành ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển, vận hành các nền tảng chuyển đổi số, phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh, đồng thời giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ thông minh, từng bước hình thành đô thị thông minh. Các trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ thông minh và đặt nền móng xây dựng đô thị thông minh, hiện đại. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã cung cấp 841 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, 561 DVCTT một phần trên tổng số 1.780 TTHC. Tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.039 dịch vụ công trực tuyến. Tổng số hồ sơ phát sinh dưới hình thức trực tuyến là 67,86% (125.174/184.457 hồ sơ trực tiếp và trực tuyến). 100% TTHC có thu phí, lệ phí được triển khai thanh toán trực tuyến.

Đồng Tháp: Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ công nghệ số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng Tháp: Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tập huấn hỗ trợ công nghệ số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những thành quả của Đồng Tháp trong CCHC và xây dựng chính quyền số không chỉ khẳng định sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng Tháp sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ công, khẳng định vị thế tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số của cả nước. Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt ra các mục tiêu chiến lược, đẩy mạnh chuyển đổi số tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở. Nhân rộng các mô hình cải cách hành chính hiệu quả, mở rộng ứng dụng công nghệ và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp xây dựng chính quyền số toàn diện đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Theo đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra chuyển biến mới đối với tỉnh. Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh nằm trong top 25 và đến năm 2030 nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước. Trước mắt, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung vào ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó chọn ba lĩnh vực trọng tâm gồm nông nghiệp, giáo dục, y tế để tạo sự lan tỏa, hướng về người dân làm cốt lõi để phục vụ.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/dong-thap-khang-dinh-vi-the-tien-phong-trong-cai-cach-hanh-chinh-va-chuyen-doi-so-i752978/
Zalo