Đồng Tháp: Giá trị sản xuất cá tra đạt hơn 8.800 tỷ đồng
Năm 2024, ngành hàng cá tra ở tỉnh Đồng Tháp đạt giá trị sản xuất ước đạt 8.802 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630 ha (tăng 10 ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023).
Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8 kg/con) dao động bình quân ở mức từ 26.400- 27.600 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp có 374 cơ sở được cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi với diện tích 1.636 ha; trong đó, diện tích nuôi của doanh nghiệp chiếm 40,8% và hộ cá thể chiếm 59,2%. Phần lớn các hộ nuôi nhỏ lẻ thực hiện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến để ổn định nguồn cung ứng đầu vào và đầu ra với diện tích khoảng 805 ha. Diện tích đang áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP; ASC; BAP; ASC và GlobalGAP.
Hiện nghề nuôi cá tra đã được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 62 cơ sở theo quy định; trong đó, có 38 cơ sở sản xuất và 24 cơ sở ương dưỡng cá tra với diện tích khoảng 200 ha; thực hiện kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Chi cục Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khu vực Nam bộ thực hiện chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, tại các vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh để kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, kết quả phát hiện có 4 mẫu bị nhiễm. Tỉnh cũng phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp đoành Thanh tra của EU về chương trình giám sát dư lượng trên thủy sản của Việt Nam. Theo đánh giá sơ bộ, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi xuất khẩu vào EU.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp hiện có 27 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đông lạnh với công suất thiết kế khoảng 700.000 tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, BRC, GlobalGAP, IFS, ASC và chứng chỉ BAP … theo yêu cầu của từng thị trường. Nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra đã góp phần phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm như chả giò, bọc bột, ốp rau củ, cá viên, collagen, genlatin, Ranee, da cá sấy... và sử dụng phụ phẩm cá tra chế biến thức ăn gia súc.
Ngoài ra, các phụ phẩm, chất thải ngành sản xuất công nghiệp đã được sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2024, sản lượng chế biến cá tra đạt 465.000 tấn, tăng 2,97% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD, tăng 3,38% so năm 2023. Việc liên kết, sản xuất tiêu thụ cá tra được các hộ nuôi liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến (chiếm 83,5%) bằng nhiều hình thức khác nhau. Các doanh nghiệp liên kết như: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI, Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản Việt Thắng, Công ty TNHH Cỏ May, Công ty NHH Hùng Cá, Công ty cổ phần Domenal, Công ty cổ phần Nam Việt,…
Công ty TNHH Hùng Cá ở huyện Thanh Bình sở hữu vùng nuôi cá tra hơn 700 ha cá tra; trong đó, đơn vị áp dụng các quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định, giám sát nghiêm ngặt quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, việc tuân thủ đúng quy trình quốc tế về hệ thống nước, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống nhà máy chế biến cá tốn rất nhiều kinh phí nhưng bù lại, cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3-5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất....
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Đồng Tháp ngày càng chú trọng đến tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng cao từ cá tra như: chiết xuất collagen, genlatin, dầu cá Ranee, da cá tra sấy… Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp dẫn đầu về chế biến, xuất khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Việc sản xuất collagen và gelatin từ da cá giúp các công ty Vĩnh Hoàn tối ưu hóa được chi phí và lợi nhuận khi tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm cốt lõi là cá tra phi lê.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Đồng Tháp cần chú trọng phát triển con giống cho cá tra, cải thiện về chất lượng con giống cụ thể của từng vùng, xây dựng về cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển con giống. Cùng với đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, áp dụng khoa học công nghệ phát triển, sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao...
Năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đề ra phương hướng phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi cá tra năm 2025 là 2.640 ha, với sản lượng 555.000 tấn, đạt 9.046,5 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.