Đông phương học là cầu nối liên kết nhiều quốc gia
Ngoài đào tạo nguồn nhân lực, khoa Đông phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn còn là cái nôi ươm mầm các tài năng lãnh đạo.
Chiều 29-11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển khoa Đông phương học (1994- 2024).
Tại buổi lễ, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đến nay trường đã đào tạo hơn 6.000 cử nhân và thạc sĩ, nhiều cựu sinh viên đã và đang nắm giữ vị trí quan trọng trong các tổ chức ngoại giao. Hiện khoa đào tạo 6 bộ môn gồm: Ả Rập học, Ấn Độ học, Indonesia học, Thái Lan học, Trung Quốc học, Úc học.
"Trong quá trình phát triển, khoa Đông phương học đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia mà khoa có chương trình đào tạo. Ngoài sự nỗ lực của sinh viên và giảng viên, sự hỗ trợ của bạn bè và đối tác góp phần rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả" - PGS-TS Ngô Thị Phương Lan đánh giá.
Trong buổi lễ, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến những giảng viên là lãnh đạo tiền nhiệm của khoa – những người đã đặt nền móng vững chắc cho khoa Đông phương học.
Em Huỳnh Gia Bảo Ngọc (SN 2002) cho biết đã "trót yêu" bộ môn Ả Rập học 5 năm. Trong quá trình học tập tại trường, em có cơ hội học ở Ai Cập 1 năm.
"Ban đầu em cũng lo lắng học ngành này sẽ khó tìm được việc làm. Sau khi có cơ hội học tập và quen nhiều bạn bè quốc tế, em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Chỉ cần có kỹ năng và tác phong làm việc tốt, em tin mình sẽ tìm được công việc phù hợp" – Bảo Ngọc tự tin nói.
Em Hồng Thanh, đang học Thái Lan học, cho biết nhân dịp kỷ niệm 30 thành lập khoa, nhóm bạn đã tổ chức gian hàng văn hóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm gấp Tung Sai Moo (một loại đèn lồng) dùng để cầu may mắn, bình an
Dịp này, khoa Đông phương học tổ chức hội thảo quốc tế "Đông phương học: những vấn đề đào tạo và nghiên cứu trong bối cảnh hội nhập hiện nay" nhằm đánh giá lại những thành tựu và hạn chế trong đào tạo và nghiên cứu Đông phương học của trường. Từ đó, đề xuất những định hướng, phương pháp tiếp cận trong đào tạo và nghiên cứu Đông phương học trong thời gian tới.