Đông Nam Bộ dẫn đầu trong thu hút vốn FDI
Trong tốp 10 địa phương dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng của năm 2024, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) chiếm ưu thế với 4/10 tỉnh, thành.
Các địa phương của vùng ĐNB nằm trong tốp 10 thu hút FDI gồm: Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với gần 2,1 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu thứ nhì với 1,6 tỷ USD; tỉnh Bình Dương 1,58 tỷ USD và Đồng Nai trên 1,2 tỷ USD. Các dự án FDI đầu tư vào vùng ĐNB đa phần thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường…
Tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp
Theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, vùng ĐNB được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, bởi nơi đây có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như khả năng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án. Đặc biệt, vùng ĐNB có khả năng đáp ứng hầu hết các nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại cho doanh nghiệp trên các phương thức đường biển, đường bộ, đường thủy, hàng không.
Ngoài những lợi thế tự nhiên, các địa phương vùng ĐNB còn có sự chủ động liên kết xây dựng môi trường đầu tư thông qua việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng có sự chọn lọc, ưu tiên mời gọi nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Bên cạnh những mặt đạt được, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vùng ĐNB vẫn còn những vấn đề cần được khắc phục. Cụ thể như: tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, lãi thật, lỗ giả, công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu, tranh chấp lao động, đầu tư lướt sóng…
Với những nỗ lực trên, vùng ĐNB đã đạt được những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư FDI theo đúng mục tiêu. Nổi bật là các dự án đầu tư đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới như: Lego, Coherent, Far Eastern…
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, Đồng Nai không ban hành chính sách ưu đãi riêng cho việc thu hút FDI cũng như các dự án đầu tư khác, mà thực hiện theo chính sách ưu đãi do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, Đồng Nai có những giải pháp để thu hút các dự án đầu tư như: công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, các dự án mời gọi đầu tư. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, vùng, tỉnh, phát triển đồng bộ các dự án hạ tầng số, thương mại điện tử, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo thuận lợi và đáp ứng yêu cầu khi các dự án đi vào hoạt động…
Cùng với Đồng Nai, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng về thu hút FDI trong 10 tháng qua. Các năm trước, ĐNB cũng luôn dẫn đầu trong thu hút vốn FDI. Đơn cử, tỉnh Bình Dương thu hút được nhiều dự án lớn đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Tập đoàn Lego với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD (đây là dự án đầu tư lớn nhất của Lego tại khu vực Đông Nam Á, nhà máy được thiết kế để trở thành cơ sở sản xuất bền vững nhất của tập đoàn, hướng tới việc sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo); Tập đoàn Polytex Far Eastern có tổng vốn đầu tư 1,54 tỷ USD, chuyên sản xuất xơ sợi tổng hợp và dệt nhuộm, đồng thời là nhà máy tích hợp lọc hóa dầu và dệt may đầu tiên tại Bình Dương...
Phát biểu tại Hội thảo khoa học về Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam vào cuối tháng 10-2024, tại Hà Nội, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, dòng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tăng mạnh, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài. Điều này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại.
Duy trì điểm đến hấp dẫn của cả nước
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), đến hết tháng 10-2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần FDI vào Việt Nam đạt trên 27,2 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhà đầu tư FDI đã rót vốn đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư. Riêng 10 địa phương có vốn thu hút FDI cao nhất cả nước (trong đó có 4 tỉnh, thành ĐNB) đã chiếm gần 80% số dự án mới và gần 71% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng của năm 2024.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất trong 10 tháng qua đến từ châu Á. Trong số đó, nổi bật là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong. Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đã chiếm tới 73% số dự án đầu tư mới và 76,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Các dự án đầu tư vào Việt Nam thời gian qua tập trung ở một số lĩnh vực gồm: ngành bán dẫn; năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic); sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng...
Thông tin đến báo chí về tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, đến tháng 10-2024, Bình Dương đã thu hút gần 4,3 ngàn dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 41 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm 2024, Bình Dương sẽ đạt mục tiêu thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 cả nước, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư FDI. Việc thu hút các dự án FDI giúp cho Bình Dương có thêm những động lực trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Bình Dương đang có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được khởi công đúng tiến độ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tương lai.
Từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, các giải pháp hỗ trợ cho các nhà đầu tư FDI, cơ quan chức năng các địa phương trong vùng cũng như các chuyên gia kinh tế đều nhận định, ĐNB vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI. Trong đó, vị trí địa lý và sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông cũng là một trong những thế mạnh chung của vùng.
Để tăng thu hút vốn đầu tư FDI cho cả vùng, các tỉnh, thành ĐNB đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về thủ tục, hạ tầng và chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư. Với những nỗ lực ấy, vùng ĐNB mong muốn tiếp tục đón các làn sóng đầu tư FDI mới. Ưu tiên các nhà đầu tư về công nghệ cao.