Đồng Nai kiểm tra quy mô lớn về môi trường trong chăn nuôi

Tỉnh ủy Đồng Nai vừa thành lập 10 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên Đồng Nai tiến hành đợt kiểm tra quy mô lớn về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các cơ sở chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) ngày 5/7/2024.

Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các cơ sở chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) ngày 5/7/2024.

Triển khai 10 đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường

Thời gian kiểm tra từ ngày 1 đến 15/7/2024, việc kiểm tra được tiến hành tại nhiều cơ sở chăn nuôi tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục môi trường, khảo sát, đánh giá công trình, biện pháp xử lý môi trường của cơ sở chăn nuôi; xác định các điểm nóng về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.

Ngoài ra, các đoàn cũng ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở chăn nuôi, việc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngày 5/7/2024, Đoàn kiểm tra số 3 của Tỉnh ủy Đồng Nai do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra 5 cơ sở chăn nuôi lợn, trâu bỏ tại huyện Nhơn Trạch.

Qua kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, các cơ sở chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch chủ yếu là nông hộ, chấp hành quy định về môi trường: phần lớn đồng thuận với chủ trương di dời của tỉnh, đã tự giảm đàn.

Một cơ sở chăn nuôi heo vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Đồng Nai được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Một cơ sở chăn nuôi heo vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Đồng Nai được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai không ngăn cản chăn nuôi, nhưng phải đúng quy hoạch và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Chăn nuôi không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ở khu đông dân cư là không được. Riêng huyện Nhơn Trạch đã quy hoạch là thành phố; huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế vì gần sân bay Long Thành, gần TP Hồ Chí Minh nên phải ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Trước đó, vào tháng 6/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành và các cấp lãnh đạo địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Việc thả đàn tiếp tục chăn nuôi tại cơ sở nuôi gia công chỉ được thực hiện sau khi cơ sở bổ sung thực hiện thủ tục môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường hoặc xác nhận đăng ký môi trường.

Cần sự giúp đỡ di dời và chuyển đổi nghề nghiệp

Như Báo Kinh tế và Đô thị đã phản ánh, thực tế hiện nay toàn tỉnh Đồng Nai có trên 200 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia công này hiện có đến 70% cơ sở đang trong tình trạng ngưng hoạt động. Chỉ còn lại 30% cơ sở hiện đang hoạt động, hết hạn và thanh lý hợp đồng hợp tác chăn nuôi, một số ít cơ sở còn hạn hợp đồng đến hết năm 2024. Trong hoàn cảnh đó, hàng loạt các trang trại đang phải bỏ chuồng ngưng nuôi, các tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tìm đến một thị trường (địa phương khác) để tiếp tục đầu tư trang trại chăn nuôi.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, trong việc chăn nuôi chủ trương, tỉnh Đồng Nai không cấm hoặc ngăn cản cơ sở phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Quan điểm phát triển kinh tế đồng thời phải bảo vệ môi trường. Vì vậy lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị các cơ sở chăn nuôi có thể duy trì chăn nuôi nhưng phải đảm bảo môi trường.

Về lâu dài, cơ sở chăn nuôi cần tính toán phương án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vừa có giá trị kinh tế, phát huy giá trị sử dụng đất đồng thời giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện Nhơn Trạch cho biết, tính đến hiện nay có 68/95 hộ đã thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động, đạt tỷ lệ hơn 70%. Toàn huyện chỉ còn gần 30 hộ chăn nuôi, các hộ này đều đã giảm quy mô đàn và cam kết ngưng chăn nuôi theo đúng tiến độ đã phê duyệt.

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc di dời và chuyển đổi nghề nghiệp.

Việc di dời các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc di dời và chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thế Phong - Quyền Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, việc di dời hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên quá trình triển khai di dời các cơ sở căn nuôi, huyện Nhơn Trạch gặp một số khó khăn. Đó là ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông hộ, người dân khó tiếp cận hoặc từ chối tiếp cận chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm.

Theo nguyện vọng của các cơ sở chăn nuôi, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết và cấp bách để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi cũng đề nghị cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc di dời và chuyển đổi nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nai-kiem-tra-quy-mo-lon-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi.html
Zalo