Đồng Nai đẩy mạnh di dời cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Ngày 5/7, Đoàn kiểm tra số 3 của Tỉnh ủy Đồng Nai do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm Trưởng đoàn đã kiểm tra 5 cơ sở chăn nuôi lợn, trâu bỏ tại huyện Nhơn Trạch.

Qua kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, các cơ sở chăn nuôi tại huyện Nhơn Trạch chủ yếu là nông hộ, chấp hành quy định về môi trường: phần lớn đồng thuận với chủ trương di dời của tỉnh, đã tự giảm đàn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với người dân.

Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai không ngăn cản chăn nuôi, nhưng phải đúng quy hoạch và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Chăn nuôi không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ở khu đông dân cư là không được. Riêng huyện Nhơn Trạch đã quy hoạch là thành phố; huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế vì gần sân bay Long Thành, gần TP.HCM nên phải ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các cơ sở chăn nuôi (trong thời gian chờ dự án triển khai) có thể duy trì chăn nuôi nhưng phải đảm bảo môi trường. Về lâu dài, cơ sở chăn nuôi cần tính toán phương án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị như trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, nhà màng, nuôi cá cảnh, cây cảnh, hoa vừa có giá trị kinh tế, phát huy giá trị sử dụng đất đồng thời giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Khi huyện triển khai các dự án thì cơ sở phải ngưng chăn nuôi, bàn giao đất cho Nhà nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Phong, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch, thực hiện chủ trương của Đồng Nai về việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, đến nay huyện Nhơn Trạch có 68/95 hộ thực hiện di dời hoặc ngưng hoạt động, đạt tỷ lệ hơn 70%. Toàn huyện chỉ còn gần 30 hộ chăn nuôi, các hộ này đều đã giảm quy mô đàn và cam kết ngưng chăn nuôi theo đúng tiến độ đã phê duyệt.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với chủ cơ sở chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Thanh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với chủ cơ sở chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Thanh.

Theo ông Nguyễn Thế Phong, việc di dời hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết và cấp bách, tuy nhiên quá trình triển khai di dời huyện gặp một số khó khăn như: Ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông hộ, người dân khó tiếp cận hoặc từ chối tiếp cận chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Theo quy định của Đồng Nai, người dân phải di dời cơ sở chăn nuôi đến khu vực được phép chăn nuôi thì mới được hỗ trợ kinh phí, nhưng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch hiện không có quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi không có nơi để di dời đến.

Tháng 6 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thành lập 10 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên Tỉnh ủy Đồng Nai tiến hành đợt kiểm tra quy mô lớn về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.

Thời gian kiểm tra từ ngày 1 đến 15/7/2024, việc kiểm tra được tiến hành tại nhiều cơ sở chăn nuôi tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục môi trường, khảo sát, đánh giá công trình, biện pháp xử lý môi trường của cơ sở chăn nuôi; xác định các điểm nóng về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, các đoàn cũng ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở chăn nuôi, việc thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, khu vực không được phép chăn nuôi là cần thiết và cấp bách để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để giúp người dân di dời và chuyển đổi nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Diệu Ly

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/dong-nai-day-manh-di-doi-co-so-chan-nuoi-gay-o-nhiem-moi-truong-439241.html
Zalo