Đồng Nai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, nông thônLan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo
Nhờ phát huy những sáng kiến, giải pháp hữu ích, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông dân Đồng Nai đã từng bước giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng trong sản xuất.
Phát huy nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (xã Long Thành) với nhiều xã viên đã đi đầu ứng dụng công nghệ cao xây dựng các trang trại chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Trong chuỗi liên kết có nhiều thành viên gồm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi...

Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức đầu tư thiết bị máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân chăm sóc cây trồng. Ảnh: B.Nguyên
Ông Ngô Thanh Phong (Hàng Gòn, Long Khánh) là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; ông là người đi tiên phong trồng sầu riêng mini mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi cây sầu riêng cao khoảng 1m, ông cắt ngọn để cây ra nhiều nhánh phụ lớn sát gốc. Khi cây trưởng thành cao khoảng 3,5m, ông đều cho cắt ngọn, tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch để cây trưởng thành luôn giữ độ cao khoảng 3,5m và đường kính tán cây cũng chỉ khoảng 3,5m. Với sáng kiến này, có thể trồng được gần 300 cây sầu riêng/ha, tăng gần gấp đôi so với vườn trồng theo cách truyền thống. Trong quá trình sầu riêng kết trái, chủ vườn chỉ giữ khoảng 60 trái/cây để trái đạt chuẩn xuất khẩu. Và 1ha sầu riêng mini cho năng suất hơn 40 tấn trái, tăng gần 2 lần so với vườn sầu riêng truyền thống.
Theo ông Ngô Thanh Phong, sáng kiến trồng sầu riêng mini rất phù hợp để nhân rộng ở những vùng đất đồi, đất đá, gió nhiều, hạn chế cây bị đổ ngã do thiên tai; mô hình này còn mang lại nhiều lợi ích như cây trồng sau 2 năm đã cho trái bói và năm thứ 3 đã cho năng suất cao. Cây thấp nên người trồng dễ chăm sóc, quản lý sâu bệnh cũng như thu hoạch nên giảm được công lao động cũng như chi phí đầu tư phân, thuốc. Hiệu quả từ mô hình, ông Phong còn lập tổ lao động chuyên cung cấp các dịch vụ nông nghiệp từ trồng, chăm sóc, phòng trừ, xử lý sâu bệnh, thu hoạch... Tổ dịch vụ làm nông nghiệp công nghệ cao này đã hỗ trợ nông dân tại địa phương và nhiều vùng lân cận nhân rộng cả trăm héc ta trồng sầu riêng mini trên địa bàn tỉnh.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Trường Đại là nông dân tiên phong tại xã Nhơn Trạch trong việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh bằng giải pháp lót ao nuôi và phủ lưới lan phía trên ao giúp ổn định nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Với quy trình nuôi an toàn sinh học này, con tôm được kiểm soát sạch từ khâu con giống đến khâu xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm nên hạn chế được rất nhiều việc sử dụng các chất kháng sinh; giải pháp này vừa giúp nông dân thả tôm nuôi với mật độ dày hơn nhiều so với ao nuôi truyền thống và mỗi năm có thể nuôi từ 4 - 5 vụ, tăng 2 - 3 vụ.
Nhân rộng hiệu quả ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, tạo nên nhiều phong trào sôi nổi, khuyến khích nông dân tích cực tham gia đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức vận động hội viên, nông dân tham gia Hội thi nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai hàng năm. Theo đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều tấm gương nông dân trở thành nhà sáng chế nhiều loại máy móc, nông cụ, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Điển hình như Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức (xã Cẩm Mỹ) là đơn vị đi tiên phong tại địa phương đầu tư thiết bị máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân trong chăm sóc cây trồng. Ngoài phục vụ cho các tổ viên, tổ hợp tác còn tổ chức làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho các nhà vườn tại địa phương, góp phần nhân rộng hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Sáng kiến cấy ghép giống sầu riêng 3 gốc 1 ngọn cho năng suất cao của ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng Chính Đức cũng được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Với sáng kiến này, người trồng chọn giống sầu riêng hạt đem ươm trong bầu, chờ cho cây phát triển được khoảng một năm thì đem ghép với 2 cây giống sầu riêng Ri6. Nhờ có đến 3 gốc, 3 bộ rễ cùng hút phân, hút nước nên cây sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh, đặc biệt là cây ít gãy đổ trước gió bão, giảm thiệt hại vườn cây.
Hay có thể kể đến nông dân Nguyễn Công Chính (xã Xuân Lộc) chế tạo thành công chiếc máy tỉa hạt giống đã đoạt giải nhất Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tỉnh Đồng Nai năm 2023. Chiếc máy tỉa hạt giống có thể gieo tỉa tất cả các loại hạt với kích cỡ khác nhau, trên các loại địa hình. Với cấu tạo tỉa 6 hàng kép, mỗi ngày chiếc máy này có thể gieo tỉa được hơn 1ha, tương đương khoảng 10 công lao động thủ công làm việc trong 2 ngày, với tỷ lệ chuẩn xác đạt đến gần 100%. Sáng chế này không chỉ giảm thời gian xuống giống, mà còn giảm được 1/3 chi phí tiền thuê công lao động.