Đồng Nai: Chủ động phòng ngừa thiệt hại do mưa lũ, triều cường
Nam Bộ đang vào cao điểm mùa mưa. Tình trạng lũ lụt, sạt lở, ngập úng... diễn ra ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Trước thực tế đó, tỉnh Đồng Nai đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn hai huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai). Đặc biệt, trận mưa cuối tháng 7 vừa qua đã làm sập 11 căn nhà, 195ha lúa và cây lâu năm bị ngập, làm trôi và hư hại hơn 300 lồng bè nuôi cá trên sông của các hộ dân huyện Định Quán. Lượng cá bị cuốn trôi và chết do ngộp nước ước tính 1.845 tấn, tương đương khoảng 20 tỷ đồng.
Để giúp người dân khắc phục hậu quả, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Định Quán cử lực lượng, phương tiện giúp bà con chằng chống, di dời bè cá còn lại; sửa chữa nhà cửa và dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả mưa lũ. Trung tá Trần Quang Phúc, Chính trị viên Ban CHQS huyện Định Quán, cho biết: “Ngay từ trước mùa mưa, đơn vị đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật chất, phương tiện sẵn sàng xử trí các tình huống phòng, chống thiên tai. Thời gian cao điểm hoặc khi mưa lớn, lực lượng canh trực được huy động tối đa để cơ động ứng cứu kịp thời khi có lệnh”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết Nam Bộ tiếp tục diễn biến cực đoan. Nhiều nơi có mưa vừa, mưa to và dông, thậm chí mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 100mm. Mực nước đầu nguồn nhiều tuyến sông tiếp tục dâng cao theo triều cường. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Đồng Nai và sông La Ngà tăng lên... Cảnh báo, cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp ven sông Đồng Nai, sông La Ngà.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thời tiết bất thường, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp cấp bách. Theo đồng chí Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời để mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn chủ động phương án ứng phó với lũ gây ngập, sạt lở bờ sông, phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong trường hợp có ngập lụt, lũ lớn, các địa phương, đơn vị huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, tránh tai nạn do bị nước cuốn trôi; đồng thời, cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.
Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ mạnh; kiên quyết di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở; xây dựng phương án chủ động chống sạt lở khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời đến nơi ở mới...
Ngoài nguyên nhân lũ lụt gây sạt lở, tình trạng khai thác cát quá mức và lấn chiếm dòng chảy cũng tác động trực tiếp đến sạt lở ven sông, suối. Do vậy, công tác quản lý phải thực hiện chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối; kiểm tra và xử lý nghiêm minh những công trình lấn chiếm dòng chảy, xây dựng không phép, sai phép ven sông; ngăn chặn khai thác cát lậu trên các tuyến sông.
Đồng chí Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, chia sẻ: "Thiệt hại do mưa lũ, sạt lở là rất lớn nên huyện đã tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa, di dời bè cá vào nơi an toàn; gia cố, chằng chống công trình nhà ở ven sông, trên sông và thường xuyên theo dõi mực nước khi mưa lớn, triều cường... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác an toàn phòng, chống thiên tai và triển khai cứu hộ nhanh nhất khi xảy ra sự cố trên địa bàn".
Vấn đề thời tiết bất thường còn diễn biến phức tạp không chỉ trong năm 2023. Vì thế, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, theo các chuyên gia, về lâu dài, tỉnh Đồng Nai cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, triền đồi; có biện pháp hợp lý đối với việc nuôi cá lồng bè trên sông; chỉ đạo gia cố chỗ trũng ven sông, suối, những nơi có nguy cơ sạt lở cao, thậm chí có thể sử dụng bờ kè và chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn... Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng ngừa thiên tai, bảo đảm an toàn cho chính gia đình mình và cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: YẾN LONG - VĂN PHÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.