Động lực tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2025

Tín dụng nửa đầu năm có sự bứt phá khi tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt gần 10%, các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu vốn sẽ tăng trong mùa kinh doanh cao điểm.

Tín dụng sẽ tăng 17-18%

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) dự phóng, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17-18% đến cuối năm 2025. Hoạt động cho vay nửa cuối năm 2025 nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính: việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; Nghị quyết 68-NQ/TW nâng cao vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân và tháo gỡ hiệu quả các nút thắt pháp lý của các dự án bất động sản; hướng tới bỏ “room tín dụng”.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực trong nửa đầu năm nay không chỉ cao hơn cùng kỳ, mà còn mở ra triển vọng đạt mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra cho cả năm nay là 16%. Bởi nửa cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng cao hơn trong mùa kinh doanh cao điểm.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu. Lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, nên khả năng tín dụng đưa ra nền kinh tế trong năm nay sẽ lớn.

Tuy nhiên, theo ông Quang, NHNN luôn kiểm soát mục tiêu lạm phát để cân bằng giữa hai mục tiêu là lạm phát và đẩy vốn ra nền kinh tế. Vì thế, NHNN cũng sẽ cân nhắc việc nới room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm dư địa cho vay.

NIM vẫn xu hướng thu hẹp

MBS kỳ vọng, hầu hết các ngân hàng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, dù chịu áp lực biên lãi thuần (NIM) suy giảm. Do lãi suất cho vay liên tục giảm để kích thích nhu cầu tín dụng, lợi suất tài sản của các ngân hàng đã bước vào xu hướng giảm. Sự sụt giảm này đã thu hẹp NIM của toàn ngành, do tốc độ giảm lợi suất tài sản nhanh hơn mức giảm của chi phí vốn (COF).

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhờ điều hành đồng bộ các giải pháp, nên theo Thống đốc NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Riêng tháng 6/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.

Trên thị trường liên ngân hàng, NHNN đã điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, phù hợp với diễn biến cung - cầu trên thị trường tiền tệ. Đối với tỷ giá, NHNN cũng điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường và các yếu tố vĩ mô.

Đánh giá về mức giảm bất ngờ của NIM trong nửa đầu năm 2025, MBS cho rằng, điều này chỉ mang tính tạm thời và sẽ sớm được cải thiện, vì các ngân hàng Việt vẫn có tiềm năng cao để bảo vệ NIM. Mặc dù lãi suất cho vay dự kiến duy trì ở mức thấp hơn năm 2024 trong các quý tới, nhưng sự phục hồi nhanh của mảng cho vay mua nhà và tiêu dùng sẽ đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của NIM trong phần còn lại của năm 2025 so với quý đầu năm.

Bên cạnh đó, sự cải thiện của tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ đầu năm 2024 chủ yếu nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của tín dụng doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ duy trì chi phí vốn ở mức thấp hiện nay trong 6-9 tháng tới.

MBS kỳ vọng, NIM trong phần còn lại của năm 2025 sẽ không thấp hơn mức của quý I/2025, nhưng khó có khả năng đạt mức tương đương năm 2024 do lãi suất cho vay bình quân thấp hơn và chi phí vốn dự kiến giữ nguyên. Những ngân hàng từng ghi nhận mức giảm NIM mạnh trong những năm gần đây do đặc thù danh mục cho vay bị ảnh hưởng, như VPBank, MB, Techcombank được kỳ vọng sẽ có mức giảm NIM nhẹ hơn so với ngân hàng khác.

Vân Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-luc-tang-truong-tin-dung-nua-cuoi-nam-2025-d335316.html
Zalo