Động lực tăng trưởng mới của các công ty tài chính

Nhu cầu vốn tiêu dùng được dự báo phục hồi từ năm 2025, mở ra triển vọng lợi nhuận tích cực cho các công ty tài chính sau giai đoạn chững lại.

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chiếm hơn 10% GDP nên còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chiếm hơn 10% GDP nên còn rất nhiều dư địa tăng trưởng.

Nhiều yếu tố hỗ trợ

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, trong khi ngành ngân hàng phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 16%. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng, khi mà việc làm, thu nhập của người lao động gia tăng và sức mua của người dân được cải thiện.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, cùng với chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, sẽ khuyến khích nhu cầu vay. Đặc biệt, theo Thông tư số 12/2024/TT-NHNN, từ ngày 1/7/2024, khách hàng vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ. Đây được xem là bước tiến đáng kể thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng, nhất là trong nhóm khách hàng đại chúng, qua đó, giúp các công ty tài chính cải thiện lợi nhuận sau giai đoạn khó khăn trước đó.

Lãnh đạo FE Credit cho biết, năm 2025, Công ty xác định mục tiêu duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục tối ưu hóa mô hình kinh doanh, kiểm soát rủi ro tín dụng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng trên diện rộng.

Theo đánh giá của ngân hàng mẹ VPBank, dự kiến từ năm 2025, lợi nhuận trước thuế của FE Credit sẽ quay lại mức trên 1.000 tỷ đồng.

Hiện FE Credit và HD Saison đang hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng (mỗi công ty 10.000 tỷ đồng) cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vay tiêu dùng. Theo báo cáo từ các đơn vị triển khai, đến cuối năm 2024, gói tín dụng này đã giải ngân cho công nhân tương đối lớn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, không chỉ công ty tài chính, các ngân hàng cũng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong năm nay để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động tín dụng tiêu dùng trên cả nước đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ và mức độ đa dạng sản phẩm, dịch vụ.

Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chiếm hơn 10% GDP, trong khi tại Hàn Quốc lên tới hơn 40% GDP, còn ở Hồng Kông (Trung Quốc), tỷ lệ này vượt 20%. Không chỉ có dư địa tăng, ngành tài chính tiêu dùng còn hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ năm 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Hiện có trên 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng triển khai đến người dân.

Điểm mạnh hệ sinh thái

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới, bởi nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ tích cực. Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu, lãi suất cho vay thấp, cùng với việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục vay nhanh gọn sẽ thúc đẩy nhiều người vay tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển theo hệ sinh thái tài chính đang trở thành động lực then chốt, giúp các công ty tài chính tăng trưởng lợi nhuận và mở rộng thị phần.

Trong đó, HD Saison nổi bật trong nhóm các công ty tài chính khi có hệ sinh thái mạnh mẽ. Công ty là thành viên của HD Financial Group thuộc HDBank với hệ sinh thái gồm Vikki Digital Bank, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer.

Nhờ vậy, HD Saison hưởng lợi không chỉ từ nguồn vốn ổn định, mà còn từ hệ sinh thái khách hàng rộng lớn, mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước.

“Chúng tôi đưa ra hệ sinh thái để tăng cường mạnh mẽ khái niệm tập đoàn tài chính. Tích hợp các khối của tập đoàn tài chính, từ đó nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng", ông Kim Byoungho, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank nói và cho rằng, thị trường có thể nghĩ rằng sáng kiến này chỉ là hình thức, nhưng cho thấy tinh thần dẫn đầu của HDBank, giúp tăng cường sự hài lòng khách hàng, giá trị mang lại cho cổ đông Ngân hàng.

Không riêng HD Saison, nhiều công ty tài chính khác cũng đang tận dụng sức mạnh hệ sinh thái để tăng tốc.

HD Saison có nhiều lợi thế từ hệ sinh thái HDBank.

HD Saison có nhiều lợi thế từ hệ sinh thái HDBank.

Chẳng hạn, FE Credit chính là mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái VPBank, tận dụng kênh vốn và nền tảng công nghệ tài chính để mở rộng danh mục sản phẩm. Theo đó, FE Credit, sau quá trình tái cấu trúc, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VPBank và đặc biệt là từ đối tác chiến lược SMBC.

Trong khi phần lớn công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vận hành dưới sự hậu thuẫn của ngân hàng, thì EVNFinance nổi bật với mô hình độc lập và tích hợp đa tầng. Là công ty tài chính tổng hợp duy nhất đang niêm yết cổ phiếu (EVF) trên HOSE, EVNFinance gia tăng tính minh bạch trong quản trị và sở hữu lợi thế huy động vốn linh hoạt.

Ngoài ra, EVNFinance tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn vào quy trình vận hành, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro, nên duy trì các chỉ số vận hành tốt: Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất ngành tài chính - chỉ 12,53% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu hàng đầu trong nhóm.

Giới phân tích tài chính nhận định, dư địa tăng trưởng của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo của FiinGroup, tỷ lệ thâm nhập cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy tiềm năng tăng trưởng dồi dào.

Theo FiinGroup, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện mới chiếm hơn 10% GDP, trong khi tại Hàn Quốc lên tới hơn 40% GDP, còn ở Hồng Kông (Trung Quốc), tỷ lệ này vượt 20%. Không chỉ có dư địa tăng, ngành tài chính tiêu dùng còn hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Thế nhưng, dù đang trên đà hồi phục, thách thức với thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn không nhỏ. Những lùm xùm liên quan đến vấn đề thu hồi nợ từ các năm trước khiến khách hàng cảnh giác cao độ với tín dụng tiêu dùng, nhất là các công ty tài chính.

Trong khi đó, việc mở rộng tín dụng tiêu dùng sang nhóm khách hàng có thu nhập thấp hoặc hồ sơ tín dụng yếu tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao. Nếu các công ty tài chính không cẩn trọng, chạy theo tăng trưởng tín dụng, có thể khiến nợ xấu tăng mạnh trở lại trong năm 2025.

Mỹ Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-luc-tang-truong-moi-cua-cac-cong-ty-tai-chinh-post372905.html
Zalo