Đồng euro mạnh – Bài cuối: EU có hấp thụ được gánh nặng tỷ giá?
Đồng euro mạnh lên đang làm trầm trọng thêm tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Trong ảnh: Đồng 500 euro. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bài viết của Giáo sư chuyên ngành báo chí kinh tế thuộc Đại học Kỹ thuật Dortmound, Henrik Müller đăng tải trên tờ báo chính luận lớn của Đức Der Spiegel, việc đồng euro tăng giá đang gây áp lực lên lĩnh vực xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Hàng hóa và dịch vụ trong khu vực trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia khác và xu hướng này đang diễn ra nhanh chóng. Đối với nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) vốn đang trì trệ và phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài, một đồng tiền mạnh lên là điều rất bất lợi.
Tệ hơn nữa, đồng euro mạnh lên đang làm trầm trọng thêm tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa của EU bắt đầu từ ngày 1/8/2025.
Mặc dù cùng chịu thuế tương đương như EU, nhưng các quốc gia đối tác khác của Mỹ lại đang được hưởng lợi từ việc đồng nội tệ xuống giá. Ví dụ, đồng CAD của Canada và đồng peso của Mexico đã suy yếu hơn so với đồng USD. Điều này ít nhất đã bù đắp một phần cho mức thuế quan tính theo đồng USD. Ngược lại, Eurozone, và đặc biệt là nước Đức - quốc gia xuất khẩu mạnh mẽ, sẽ bị ảnh hưởng bởi đòn giáng kép - thuế quan cộng với đồng nội tệ tăng giá, khiến tổn hại càng nặng nề hơn.Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Luis de Guindos, gần đây đã tuyên bố rằng tỷ giá hối đoái của đồng euro nếu tăng lên trên 1,20 USD/euro sẽ trở thành yếu tố chính cản trở sự phát triển kinh tế của châu Âu. Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ vào đầu tháng Sáu vừa qua ghi nhận ban lãnh đạo ECB đã có cuộc tranh luận sôi nổi về hậu quả của việc đồng euro tăng giá.“Đối phương quá mạnh tức là bạn quá yếu”Tuy nhiên, những biến động tiền tệ gần đây cũng có thể được xem là sự bình thường hóa tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái hiện tại là 1,17 USD/euro, gần tương ứng với giá trị trung bình trong 1/4 thế kỷ qua. Tốc độ và mức độ tăng giá của đồng euro so với một số loại tiền tệ khác có thể gây ra các phản ứng khó chịu, nhưng đồng euro mạnh rõ ràng cũng mang lại những lợi thế: lạm phát tại Eurozone đã giảm xuống mức mục tiêu 2% nhờ hàng nhập khẩu rẻ hơn và lãi suất cũng xuống mức thấp. Tất cả những điều này giúp các nhà đầu tư tư nhân và các chính phủ đang thiếu tiền mặt có thêm nguồn tài chính.Về lâu dài, đồng euro mạnh có thể khởi đầu cho một sự thay đổi mang tính cơ cấu. Kể từ cuộc khủng hoảng đồng euro đầu những năm 2010, liên minh tiền tệ này nói chung là một nền kinh tế thặng dư. Châu Âu hoạt động theo công thức: xuất khẩu nhiều, đầu tư trong khối ít và đầu tư thặng dư ra nước ngoài.Kể từ cuộc khủng hoảng nợ công, Eurozone đã phát triển một mô hình kinh tế lệch lạc, được thúc đẩy bởi một đồng euro yếu. Xuất khẩu đã giúp đạt được hoặc duy trì khả năng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, mặt trái là tình trạng thiếu đầu tư triền miên, về lâu dài đã kìm hãm năng suất lao động và góp phần gây ra tình trạng trì trệ kinh tế.Tại sao tất cả số tiền này lại không được đầu tư vào châu Âu?Một chỉ số quan trọng ở đây là cán cân tài khoản vãng lai. Điều này nghe có vẻ kỹ thuật và phức tạp nhưng nhìn chung, nó phản ánh thặng dư xuất khẩu của một nền kinh tế. Tuy nhiên, hình ảnh phản chiếu của thặng dư là sự thâm hụt dòng vốn. Điều này không gây hại ngay lập tức nhưng sẽ gây hại về lâu dài và hiện nó đang diễn ra tại châu Âu.Tiền tiết kiệm dư thừa từ các doanh nghiệp và người dân đang chảy ra nước ngoài chứ không được sử dụng cho đầu tư và tiêu dùng trong nước. Mức thặng dư tài khoản vãng lai của Eurozone thực sự đáng kinh ngạc, lên tới hơn 350 tỷ euro mỗi năm, trong đó Đức đóng góp phần lớn nhất.Đây là điều không bình thường vì thặng dư lớn đáng lẽ phải bù đắp được tiền tệ lên giá. Đây là trải nghiệm mà Đức đã trải qua nhiều lần kể từ những năm 1950: đồng mark của Đức mạnh lên đã giúp kiểm soát được thặng dư xuất khẩu và dần dần nâng cao mức sống của người dân.Theo kinh nghiệm đó, đồng euro ngày càng mạnh đáng lẽ có thể đóng góp nhiều hơn vào đầu tư của Đức, từ đó tăng năng suất và thu nhập thực tế. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một loạt cải cách đi kèm: một thị trường vốn châu Âu thống nhất, nơi các công ty đang phát triển và đổi mới có thể tự tài trợ vốn; điều kiện tốt hơn và nhiều nguồn tài trợ hơn cho giáo dục và nghiên cứu; hoàn thiện thị trường nội khối EU và nhiều thứ khác.Tất cả những cải cách này hiện đang được tranh luận sôi nổi, nhưng không có gì chắc chắn là chúng sẽ trở thành hiện thực. Như đã đề cập ở trên, cho đến nay châu Âu vẫn còn là vùng đất của những tiềm năng chưa được khai thác.Câu chuyện về tiền tệCuối cùng, không có lựa chọn thay thế hợp lý nào hơn là hội nhập sâu thêm nữa. Khu vực đồng euro phải tạo điều kiện để khoản tiết kiệm thặng dư của châu lục được đầu tư hiệu quả. Châu Âu cần một mô hình kinh doanh có thể ứng phó với các điều kiện địa kinh tế mới. Các thị trường vốn lớn, độc lập và một đồng euro mạnh là những nền tảng cần thiết cho xu hướng này.Cuối cùng, vẫn còn câu hỏi về tầm quan trọng của giá trị bên ngoài của đồng tiền này đối với bản sắc chung của khối. Tỷ giá hối đoái thường là một vấn đề nhạy cảm bởi vì giá của một đồng tiền so với một đồng tiền khác nói lên một câu chuyện: đó là mức độ hiệu quả của một đồng tiền. Cho dù một xã hội, một nền kinh tế hay một quốc gia có đủ khả năng gánh một đồng tiền mạnh hay không thì sự tăng giá vẫn là nguồn gốc của niềm tự hào dân tộc. Sự mất giá thường bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém.Liệu đồng euro mạnh có thể đóng góp tích cực vào ý thức cộng đồng của châu Âu hay không? EU, trong quá trình hình thành, chủ yếu là một dự án kỹ trị, đặc trưng bởi đủ loại bất đồng, phức hợp quốc gia truyền thống và xung đột quốc tế, rất có thể cần một câu chuyện bao quát: một câu chuyện tích cực, cùng hướng tới tương lai.Cơ hội tốt nhất của châu Âu nằm ở việc khẳng định mình như một khối thống nhất trong cuộc đấu tranh địa kinh tế. Bị bủa vây bởi các siêu cường tân đế quốc, châu Âu gần như không có lựa chọn nào khác. Nếu một đồng euro mạnh mẽ và tươi đẹp (như Tổng thống Trump hàm ý) có thể góp phần củng cố bản sắc chung của châu Âu, thì đó sẽ không còn là một bất lợi nữa.