Đồng chí Hoàng Sâm - Người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Hoàng Sâm là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, là cán bộ chính trị, quân sự cấp cao thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng và Quân đội; người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và những cống hiến, hy sinh của đồng chí Hoàng Sâm cho sự nghiệp cách mạng mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo. Đặc biệt, vinh dự được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người giác ngộ, dìu dắt từ năm 13 tuổi, trên bước đường hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Sâm có nhiều năm gắn bó, nhiều kỷ niệm với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có thể nói, đồng chí Hoàng Sâm là người học trò gần gũi, tin cậy và với những đóng góp, hy sinh cống hiến của mình, xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng

Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) – một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Thuở thiếu thời, Hoàng Sâm được đắm mình trong những câu chuyện về lòng yêu nước, khát vọng đánh đuổi quân xâm lược của các bậc tiền nhân, với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, Hoàng Sâm đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước.

Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, cuộc sống khó khăn, bố mẹ ông cũng như nhiều gia đình nghèo khó ở dải đất miền Trung rời quê hương đưa gia đình tìm đường sang Thái Lan vừa kiếm kế mưu sinh, vừa có điều kiện hoạt động yêu nước. Năm 1928, tại Nakhon, Trần Văn Kỳ đã gặp được Thầu Chín (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc). Thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở Thái Lan để vận động cách mạng, nhất là trong cộng đồng người Việt ở Udon và Nakhon. Nhận thấy cậu bé Kỳ sáng dạ, nhanh nhẹn, Người đã chọn Kỳ làm liên lạc cho mình. Từ đây, Trần Văn Kỳ đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Việt kiều Thái Lan. Việc được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn làm liên lạc là một cơ duyên lớn, đồng thời thể hiện phẩm chất cá nhân của Trần Văn Kỳ. Qua thời gian giúp việc cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người tận tình chỉ bảo, Trần Văn Kỳ dần hiểu được ý thức trách nhiệm và quyết tâm theo đuổi con đường cách mạng, cứu nước, cứu dân khỏi ách thống trị của đế quốc, thực dân. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in ấn, phát truyền đơn.

 Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Năm 1934, ông bị mật thám Thái Lan bắt ở Băng Cốc, giam một năm rồi trao cho Lãnh sự quán Pháp. Không có bằng chứng kết tội, Lãnh sự quán Pháp phải trả ông lại cho nhà cầm quyền Thái Lan. Bị trục xuất khỏi Thái Lan, ông được tổ chức đưa sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Trần Văn Kỳ được đi học tiếng Hoa và năm 1937 thì về nước tham gia các công tác của Tỉnh ủy Cao Bằng. Năm sau, ông tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mùa đông 1940, Trần Văn Kỳ được gặp lại Thầu Chín ở Tĩnh Tây (Trung Quốc), sát với biên giới Cao Bằng. Lúc này Trần Văn Kỳ mới biết Thầu Chín chính là Nguyễn Ái Quốc. Người đã đặt cho Trần Văn Kỳ tên mới là Hoàng Sâm. Tại đây, sau khi báo cáo tình hình với Bác, Hoàng Sâm được Bác tin tưởng cho thường xuyên ở gần, huấn luyện thêm về chính trị và giao nhiều nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó có việc tìm đường và xây dựng các địa điểm liên lạc an toàn để chuẩn bị cho Người về trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cuối tháng 1 năm 1941, đồng chí Hoàng Sâm cùng Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước an toàn.

Đội trưởng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Tại Cao Bằng, cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương thành lập đội du kích đầu tiên của Cao Bằng (Đội du kích Pác Bó) gồm 12 chiến sĩ do Lê Quảng Ba làm đội trưởng, Hoàng Sâm là đội phó. Đến giữa năm 1942, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ đội trưởng. Đội có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác, tham gia tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới.

Với bí danh là Trần Sơn Hùng, đồng chí Hoàng Sâm tích cực tham gia diệt phỉ, bảo vệ cơ sở cách mạng tạo điều kiện cho các hội cứu quốc ở vùng Lục Khu (Hà Quảng) phát triển. Đầu tháng 5-1942, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ I được triệu tập tại Kẻ Giẳng (xã Hoàng Tung, châu Hòa An), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 9 đồng chí do đồng Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Bí thư, Hoàng Sâm được bầu làm ủy viên. Từ tháng 2 đến cuối năm 1943, đồng chí Hoàng Sâm làm nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ các tổ “xung phong Nam tiến” xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng và phong trào cách mạng, nối thông liên lạc các khu căn cứ ở Việt Bắc.

Cuối tháng 10-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã “đỏ” Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Người yêu cầu hoãn ngay cuộc khởi nghĩa mà Liên tỉnh ủy Cao Bắc Lạng chuẩn bị phát động và chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...”.

Giao nhiệm vụ tổ chức, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Người nhắc nhở phương châm: “Người trước, súng sau”. Các đội viên phải là những người kiên quyết nhất, hăng hái nhất trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về và có kinh nghiệm quân sự. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba lựa chọn được 34 đội viên. Được thử thách qua thực tiễn đấu tranh, chứng tỏ được phẩm chất, bản lĩnh và tài năng, đồng chí Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng.

Trước ngày thành lập Đội (22-12-1944), đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp, báo cáo và được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí về cơ bản các nội dung. Người cũng đồng ý chọn Hoàng Sâm làm Đội trưởng của đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam, để cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, chỉ huy đội thực hiện những chủ trương, phương châm hoạt động mới mà Người đề ra: Vũ trang tuyên truyền “để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”, đẩy phong trào cách mạng tiến lên chuẩn bị đón thời cơ mới – thời kỳ toàn dân khởi nghĩa.

Sau ngày thành lập, dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội trưởng Hoàng Sâm cùng Ban chỉ huy đội đã chỉ huy đội giành hai thắng lợi đầu tiên trong trận Phai Khắt (25-12-1944) và Nà Ngần (26-12-1944). Hai chiến thắng tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa của lại rất to lớn cả về chính trị và quân sự, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng ở Cao - Bắc – Lạng. Đặc biệt, với hai thắng lợi mở đầu đó, Đội trưởng Hoàng Sâm thực hiện thành công chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh giao trước ngày thành lập là “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình" ngày 29-11-2024. Ảnh: qdnd.vn

Quang cảnh Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiếu tướng Hoàng Sâm-Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình" ngày 29-11-2024. Ảnh: qdnd.vn

Được giao nhiều trọng trách trong Quân đội

Những năm 1945-1947, đồng chí Hoàng Sâm với vai trò là Khu trưởng Chiến khu 2 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Tây Tiến, đã cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến khu, Bộ chỉ huy Mặt trận lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân địa bàn vừa xây dựng thực lực kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, chiến đấu ngăn chặn quân Pháp xâm lược cả ở mặt trận Tây Tiến và các mặt trận ở miền xuôi chia lửa với mặt trận Hà Nội. Trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 1-1948, đồng chí Hoàng Sâm vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng.

Từ năm 1948 đến năm 1967, Thiếu tướng Hoàng Sâm tiếp tục được Đảng, Chính phủ, Quân đội giao đảm đương nhiều trọng trách: Tư lệnh Liên khu 3, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, Phó chủ tịch ủy ban Quân chính thành phố Hải Phòng, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn, Phó đoàn trưởng Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp cách mạng Lào, Tư lệnh Quân khu 3, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn.

Năm 1966, Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu 3, vinh dự được đón Người về thăm và chúc tết Đại đội 2, Tiểu đoàn 27 công binh Quân khu, đơn vị có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Ba nhất”. Ngày 21-1-1966, Bác Hồ cùng đồng chí Tố Hữu và đoàn đến đơn vị. Tư lệnh Hoàng Sâm và Chính ủy Nguyễn Quyết ra đón. Bác vừa vào đến cổng, các chiến sĩ Đại đội 2 hô vang khẩu hiệu chào đón. Tư lệnh Hoàng Sâm giới thiệu các thành phần và đồng chí tiểu đoàn trưởng báo cáo thành tích của đơn vị. Bác ân cần hỏi thăm các bộ chiến sĩ về chế độ, tiêu chuẩn, tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Rồi Người hỏi về nguyện vọng, đề đạt của đơn vị. Một chiến sĩ đề nghị Bác động viên đơn vị. Bác cười rồi chỉ vào Tư lệnh Hoàng Sâm, Chính ủy Nguyễn Quyết và nói: “Động viên thì đã có chính ủy, chỉ huy có tư lệnh. Còn văn nghệ… thì đã có nhà thơ đây”. Bác chỉ tay vào nhà thơ Tố Hữu. Thấy Bác vui, mọi người đều vui cười phấn khởi.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tình hình chiến trường Trị Thiên Huế cũng như toàn miền Nam gặp nhiều khó khăn trước các cuộc phản kích, càn quét của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cần có sự tổ chức lại lực lượng, bố trí lại chiến trường và chi viện cán bộ có kinh nghiệm chỉ huy quân sự. Khi biết tin Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng thương xót và chỉ thị phải đưa thi hài ra Hà Nội để tổ chức tang lễ.

Ngày 1-2-1969, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh tổ chức trọng thể lễ tang Thiếu tướng Hoàng Sâm tại Câu lạc bộ Quân nhân ở phố Hoàng Diệu – Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viếng người cán bộ cách mạng dày dặn từng gắn bó với mình từ những ngày hoạt động bí mật ở Thái Lan, Trung Quốc, Việt Bắc, nay hy sinh ở một chiến trường ác liệt khi mới 54 tuổi. Bác còn hỏi thăm vợ con Thiếu tướng Hoàng Sâm. Người chuyện trò chia sẻ sự đau thương, mất mát lớn lao với gia đình và hỏi han về nguyện vọng của gia đình với Đảng, Nhà nước, Quân đội, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm với thân nhân, gia đình của Thiếu tướng, Liệt sĩ Hoàng Sâm.

Tấm gương của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Hoàng Sâm là tấm gương tiêu biểu của một thanh niên yêu nước đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc. Từ khi đến với con đường cách mạng vô sản, bước vào con đường đầy gian khổ, hiểm nguy, đồng chí đã phấn đấu trọn đời cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc là đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, giành lại độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Không chỉ là người chỉ huy tài năng, bản lĩnh và uy tín, luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Sâm còn là đại diện tiêu biểu của thế hệ cán bộ của Đảng sinh ra từ nhân dân, sống và chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng cộng sản.

Chính thực tiễn sống và chiến đấu vẻ vang của đồng chí đã cho thấy một lối sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân đặc biệt tin yêu, mến phục. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng của người chiến sĩ cộng sản, vượt qua mọi gian nguy, thử thách, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, luôn nêu cao tinh thần kiên trung với Đảng, chiến đấu bất khuất trước kẻ thù, cùng với các đồng chí của mình biến gian nan, thử thách thành trường học cách mạng. Nổi bật ở đồng chí Hoàng Sâm là tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên lợi ích riêng, tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức.

Khi hoạt động ở xa Trung ương, xa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Sâm luôn quán triệt và vận dụng tài tình tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đồng chí Hoàng Sâm là người tiên phong thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh: Bám dân, bám đất, xây dựng trận địa lòng dân, người trước súng sau, thực hành chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, luôn luôn học hỏi trong thực tế, học dân, học đồng đội để rèn mưu trí, có kế hoạch công tác cụ thể rõ ràng với tinh thần cách mạng tiến công, luôn có mặt cùng đồng đội tại các chiến trường ác liệt.

Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Hoàng Sâm đều hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân giao phó. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự phát triển, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Sâm luôn thể hiện phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, thử thách, hiểm nguy, luôn trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Đồng chí xứng đáng là học trò gần gũi, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đánh giá cao sự hy sinh, cống hiến của đồng chí Hoàng Sâm đối với cách mạng Việt Nam, năm 1999, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Sâm huân chương cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh.

TS ĐINH QUANG THÀNH, Phó tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dong-chi-hoang-sam-nguoi-hoc-tro-gan-gui-cua-chu-tich-ho-chi-minh-805004
Zalo