Đồng bộ giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội được nhiều người quan tâm, đặc biệt trước thông tin cho rằng 'Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới'. Việc này đòi hỏi chính quyền phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp thiết để kiểm soát, hạn chế tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng.

Các tòa nhà cao tầng tại đường Văn Cao hướng ra Hồ Tây ẩn khuất sau lớp sương mờ dày đặc. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Các tòa nhà cao tầng tại đường Văn Cao hướng ra Hồ Tây ẩn khuất sau lớp sương mờ dày đặc. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Báo động chất lượng không khí

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN - AQI) ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông - vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 - 70%), nguồn sản xuất công nghiệp từ 14 - 23%, còn lại từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Dựa trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thủ đô đang bước vào mùa ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí đo được từ các trạm quan trắc nhiều nơi ở ngưỡng kém và xấu.

Đáng chú ý, trong tháng 10, ở Hà Nội xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí, thường từ 7 giờ - 11 giờ, bầu trời sương mù dày đặc, mờ đục bởi bụi mịn. Chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn tại một số quận, huyện có mật độ giao thông cao như: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa… Chỉ số chất lượng không khí đo được dao động trong khoảng 101 - 177; chỉ số bụi mịn PM2.5 tăng gấp hàng chục lần so với quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Những ngày đầu tháng 11, Hà Nội lại chìm trong sương mù dày đặc, che phủ các tòa nhà cao tầng và làm giảm tầm nhìn. Chuyên gia môi trường khuyến cáo, vào những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (từ 150-200), nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà, chạy máy lọc không khí. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu người dân cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Theo chuyên gia y tế, ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nếu người dân tiếp xúc lâu dài với không khí có nồng độ bụi PM2.5 cao, có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và hen suyễn; làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải, có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí. Đặc biệt, Hà Nội hiện có trên 40% dân số đô thị, 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7,8 triệu phương tiện các loại (chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rác thải tự phát. Biến đổi khí hậu hay việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là thách thức lớn với sự phát triển đô thị văn minh. Dù Hà Nội bước đầu kiểm kê được nguồn phát thải, nhưng việc chậm triển khai các giải pháp xử lý dẫn đến mức độ ô nhiễm không thuyên giảm mà luôn ở mức tăng cao.

Nỗ lực cải thiện môi trường

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội cần có đầy đủ số liệu và cập nhật các nguồn thải, xác định rõ nguyên nhân, mức độ ô nhiễm; từ đó xây dựng kế hoạch xử lý, công khai trách nhiệm các bên gây ô nhiễm.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, Kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Hà Nội xác định nhiệm vụ cụ thể, ưu tiên biện pháp giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Đó là vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; đôn đốc các địa phương xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ và đốt rác thải; điều tiết, phân luồng giao thông tại nút giao thông ùn tắc... Hà Nội đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số VN-AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 giảm khoảng 20% so với năm 2019, tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó, tránh việc sử dụng nguồn thông tin chưa đầy đủ cơ sở khoa học, gây tâm lý hoang mang dư luận.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần triển khai đồng bộ giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, trong đó cần chú trọng triển khai đề án giao thông thông minh; sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Đồng thời hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phát triển thêm hệ thống tàu điện trên cao, vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí…

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thu gom, tập kết và vận chuyển rác thải, không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các quận, huyện phải xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, tránh các giờ cao điểm…

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) tại Thủ đô nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Dự kiến, từ năm 2025, Hà Nội áp dụng thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Vùng phát thải thấp là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Dự thảo đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp, đây cũng là các vùng dự kiến hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Những khu vực được xác định vùng phát thải thấp sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.

Theo kế hoạch, vào năm 2030, Hà Nội phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận; đồng thời sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi. Cùng với đó là chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện. Bên cạnh đó, Hà Nội dự kiến đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).

Có thể thấy, với các giải pháp đồng bộ trên, Hà Nội đang nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời Hà Nội mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan để xây dựng thành phố xanh, sạch, lành mạnh.

Linh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dong-bo-giai-phap-xu-ly-o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-20241107125618502.htm
Zalo