Đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa truyền thống

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, nhiều già làng, nghệ nhân các dân tộc thiểu số ở phía Tây tỉnh Lâm Đồng vẫn đang bền bỉ gìn giữ và lan tỏa để văn hóa dân tộc không bị nhạt phai, mai một trong đời sống hiện đại.

Nghệ nhân Y Lanh (bên trái) kể về việc sưu tầm chiêng và các vật dụng liên quan đến đời sống hàng ngày của dân tộc M’nông cho người dân trong bon

Nghệ nhân Y Lanh (bên trái) kể về việc sưu tầm chiêng và các vật dụng liên quan đến đời sống hàng ngày của dân tộc M’nông cho người dân trong bon

Tại các bon làng của người M’nông phía Tây tỉnh Lâm Đồng, nhiều già làng, nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát vật dụng bằng tre nứa, thổi kèn, sáo... cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Cơ được xem là người “giữ hồn cồng chiêng” khi có thể chế tác, chỉnh âm, biểu diễn và truyền dạy những bài chiêng cổ. Chưa kể, ông còn sưu tầm những vật dụng hàng ngày trong đời sống, lao động của đồng bào dân tộc M’nông như rổ, rá, nia, nơm, gùi, xà gạc, chày giã gạo, nỏ, cung, quả bầu... để thế hệ trẻ tìm hiểu, biết được quá khứ của cha ông đi trước.

Ông Y Lanh tâm sự: “Tôi mong muốn, cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng các thế hệ trẻ sau này sẽ không bao giờ quên quá khứ ông cha đã trải qua, nhất là những khó khăn, thiếu thốn bởi không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và trân quý thành quả cha ông để lại”.

Hàng chục năm gắn bó với cây M’buốt - một nhạc cụ truyền thống của người M’nông, ông K’Brớt, bon Kon Hao, phường Bắc Gia Nghĩa luôn ý thức phải giữ gìn, bảo vệ để tiếng M’buốt mãi ngân vang. Mỗi khi bon làng có hoạt động cộng đồng nào, ông K’Brớt đều xung phong đảm nhận thổi tiết mục M’buốt phục vụ người dân. Theo ông K’Brớt, việc thổi M’buốt trong sinh hoạt cộng đồng chính là cách để nó luôn hiện hữu và ngày càng có nhiều người biết đến hơn. Để nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian, những lúc nhàn rỗi, ngoài truyền dạy cách đánh chiêng, sử dụng nhạc cụ truyền thống, ông còn dạy thổi M’buốt cho con cháu, bà con dân tộc mình. Ông K’Brớt cho biết: “Là một nghệ nhân, tôi luôn nhắc mình phải có trách nhiệm bảo tồn, truyền giữ, phát triển nét đẹp văn hóa của đồng bào M’nông. Tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để giới trẻ biết và tập luyện thổi M’buốt để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Học nhạc cụ dân tộc không hề dễ, đòi hỏi phải chịu khó, siêng năng, nhưng nếu đam mê chắc chắn sẽ làm được”.

Hiện nay, nhiều địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc M’nông sinh sống, người dân, nhất là già làng, nghệ nhân luôn cố gắng bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc với những cách làm riêng như phối hợp thành lập các câu lạc bộ, đội đánh cồng chiêng; đưa các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian vào các đợt sinh hoạt cộng đồng; phục dựng lễ hội truyền thống…

Trong thời đại công nghệ số, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của một vài cá nhân, mà cần sự chung tay của cộng đồng, chính quyền và xã hội. Có như vậy, nét đẹp bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở phía Tây tỉnh Lâm Đồng mới được lưu giữ và trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy địa phương phát triển.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các xã, phường phía Tây của tỉnh Lâm Đồng còn lưu trữ 186 bộ chiêng, 1 bộ goong prắc, 1 bộ goong pe, 1 bộ đàn đá; khoảng 194 nghệ nhân biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 nghệ nhân nhớ, hát kể được sử thi Ót N’drông M’nông; 301 nghệ nhân biết và hát những làn điệu dân ca, 698 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 53 nghệ nhân biết làm cây nêu truyền thống, 363 nghệ nhân biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; 106 nghệ nhân biết và kể được truyện cổ; 139 nghệ nhân biết kể luật tục và phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng; 9 nghệ nhân biết và sử dụng đàn tính - hát then...

Hoàng Hoài

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-gin-giu-van-hoa-truyen-thong-382903.html
Zalo