Đồng bằng sông Cửu Long có gần 800 km sạt lở
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 743 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 794 km, trong đó có 168 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Diễn biến thiên tai vùng dự báo còn phức tạp, khó lường hơn thời gian tới.
Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/11 tại thành phố Cần Thơ.
Theo ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng, chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), trong số 743 điểm sạt lở có 686 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài gần 600 km và 57 điểm sạt lở bờ biển dài hơn 200km; đặc biệt có 168 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, hơn 200 điểm sạt lở nguy hiểm.
Thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho thấy, giai đoạn 2022 - 2023, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có gần 22 triệu m3 đất cát lòng sông bị xói lở, nhưng khối lượng bồi chỉ gần 5 triệu m3, thiếu hụt gần 17 triệu m3. Đối với bờ biển, giai đoạn 2020 - 2023, miền Tây có hơn 400 km đường bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 458 ha đất.
Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả, các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên trồng rừng ngập mặn, xây dựng bờ kè kiên cố... Tuy nhiên, ông Chương cũng chỉ ra một số bất cập của hệ thống thủy lợi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như kênh bị thu hẹp, thiếu khả năng trữ nước ngọt, thiếu trạm bơm để điều tiết nước; công trình chống ngập đô thị chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, vùng còn thiếu công trình kiểm soát lũ đầu mối sông Tiền, sông Hậu; nước biển dâng cộng với sụt lún làm gia tăng ngập úng vùng giữa đồng bằng và ven biển.
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới còn phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt về sụt lún, sạt lở, ngập lụt, xâm nhập mặn… Tình trạng này là do biến đổi khí hậu, các hoạt động khai thác ở thượng nguồn sông Mê Kông và phát triển nóng về kinh tế - xã hội ở vùng.
Ông Trần Duy An, Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, tại Đồng bằng sông Cửu Long có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra, gồm: Hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng. Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt vùng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Từ năm 2000 đến nay, khu vực này xuất hiện 5 trận lũ lớn, làm 1.830 người thiệt mạng, hơn 488.800 căn nhà bị ngập nặng, thiệt hại với cây lúa gần 3.600 tỷ đồng.
Trong mùa khô năm 2023 - 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189 ha lúa giảm năng suất, 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán tạo ra hơn 2.000 điểm sụt lún đê, đường giao thông, tổng chiều dài khoảng 51 km… Tốc độ sụt lún trung bình hằng năm toàn Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn này là 1,07 cm.
Để phòng, chống thiên tai, Trung ương và các địa phương đã đầu tư xây dựng 15 hệ thống thủy lợi (7 hệ thống liên tỉnh, 8 hệ thống nội tỉnh) với diện tích phục vụ 2,5 triệu ha, chiếm 64% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, có hơn 91.700 km kênh, hơn 29.200 cống, bọng; 2.123 km đê sông, đê biển; hơn 3.500 trạm bơm…
Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, về tổng thể đã có những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tương đối toàn diện, đồng bộ về phòng, chống thiên tai gắn với thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị đang tích cực tham gia xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch quan trọng cho khu vực. Quy hoạch Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình lấy ý kiến. Ông mong muốn các địa phương sẽ kịp thời đóng góp ý kiến để hoàn thiện quy hoạch, hướng tới một giải pháp phát triển bền vững cho đồng bằng.