Đông Anh: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng khu đấu giá đất tại xã Liên Hà
Ngày 29-11, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng để phục vụ Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất X5, thôn Phong Châu, xã Liên Hà để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo UBND xã Liên Hà, khu đất X5, thôn Phong Châu có nguồn gốc là đất sản xuất nông nghiệp, được chính quyền địa phương giao cho 49 hộ gia đình theo Nghị định số 64-CP năm 1993 và trong quá trình sản xuất người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tại Quyết định số 80/QĐ-UB ngày 23/3/2004 do Chủ tịch UBND xã Liên Hà lúc đó là ông Dương Văn Kế ký, đã cho phép các hộ gia đình dựng lán, trại để trông coi hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ngày 15/7/2004, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-UB hủy bỏ Quyết định số 80/QĐ-UB của UBND xã Liên Hà. Việc cho phép dựng lán, trại của UBND xã Liên Hà đã dẫn đến một số hộ gia đình lạm dụng, vi phạm pháp luật đất đai và trật tự xây dựng. Từ sau thời điểm đó, tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp ở khu vực này vẫn diễn ra với chiều hướng phức tạp; toàn bộ diện tích đất này đã được xây dựng thành các công trình kiên cố và không còn sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trang đó, UBND huyện Đông Anh đã có Văn bản số 8343/2020/QD-UBND quyết định bồi thường và thu hồi khu đất này để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án này là tạo dựng khu dân cư, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đất ở của nhân dân; khắc phục tình trạng sử dụng đất trái phép; đồng thời, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để thực hiện đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận. Tổng diện tích dự án là 35.000m2.
Trong quá trình triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, chỉ có 19 hộ gia đình tự nguyện bàn giao mặt bằng và nhận tiền bồi thường; còn 30 hộ gia đình không chịu bàn giao mặt bằng vì cho rằng, mức bồi thường của chính quyền địa phương chưa thỏa đáng. UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Liên Hà và các tổ chức, đoàn thể đã thực hiện các biện pháp vận động và tiến hành các bước theo đúng quy định. Tuy nhiên, 30 số hộ này vẫn không chấp hàng, nên UBND huyện đã phải ban hành quyết định cưỡng chế.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, mức bồi thường thu hồi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 135.000đồng/m2 và có hỗ trợ gấp 5 lần đối với diện tích được sử dụng, chỉ để sản xuất nông nghiệp (tương đương 290 triệu đồng/sào Bắc bộ; 1 sào là 360m2). Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất của 30 hộ gia đình phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi là sử dụng sai mục đích, không còn sản xuất nông nghiệp; đồng thời người dân đã tự ý xây dựng các công trình kiên cố, nên khi lập hồ sơ bồi thường chính quyền địa phương không thể thực hiện cơ chế hỗ trợ gấp 5 lần, mà phải giữ nguyên theo mức quy định ban đầu là 135.000 đồng/m2.
Đánh chú ý, dự án trên đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án từ ngày 4/12/2020 và tổng hợp trong danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020, nhưng khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dự án đã phải thực hiện điều chỉnh. Tại Văn bản số 3019/STNMT-CCQLĐĐ ngày 4/5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn UBND huyện Đông Anh thực hiện việc bồi thường, thu hồi theo Luật Đất đai năm 2013, các nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Quá trình cưỡng chế được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự.