Đòn thuế quan từ Mỹ và những thiệt hại với kinh tế châu Âu
Nền kinh tế châu Âu tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa mới, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/7 tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Strasbourg, Pháp. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bài viết của tờ New York Times, các nhà kinh tế cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn của EU - nền kinh tế vốn đã suy yếu do cuộc chiến thương mại đang gia tăng - trong những tháng tới.
Trong cuộc họp tại Brussels ngày 13/7, các quan chức EU đã quyết định hoãn áp đặt bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán, với hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại trước khi các biện pháp thuế quan mới của ông Trump chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2025. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói: "Chúng tôi luôn khẳng định rõ ràng rằng chúng tôi ưu tiên một giải pháp đàm phán".
Các nhà kinh tế EU gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 của Khu vực đồng euro xuống 0,9%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 1,3% đã đưa ra vào cuối năm 2024. Theo EC, cơ quan quản lý của EU, nguyên nhân điều chỉnh hạ dự báo là do "tác động của việc tăng thuế và sự bất ổn gia tăng bởi những thay đổi đột ngột gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đi kèm với sự khó dự báo của thuế quan".
Ông Bert Colijn, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING tại Hà Lan cho biết, mức thuế 30% mà ông Trump tuyên bố áp dụng với hàng hóa châu Âu "sẽ giữ tăng trưởng kinh tế của EU ở mức gần bằng 0 trong thời gian dài hơn". Ông nói thêm: "Không thể loại trừ các quý có tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) âm".Các mức thuế cao sẽ tác động đặc biệt nặng nề đến một số ngành công nghiệp ở châu Âu, từ rượu vang và hàng hóa xa xỉ đến hóa chất và dược phẩm - mặt hàng mà ông Trump đã đe dọa áp thuế lên tới 200% trong năm 2026. Bên cạnh thông báo tăng thuế phổ quát đối với hàng hóa từ EU, ngày 12/7, Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại việc giữ nguyên mức thuế 25% áp dụng đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu – ngoài mức thuế 2,5% hiện có – cũng như mức thuế 50% đối với nhôm và thép.Các điều kiện trong môi trường thương mại đang rất khó khăn, tuy nhiên vẫn còn “lối thoát” và các chính trị gia châu Âu có thể tìm cách giảm thiểu tác động. Ông Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết, vì ông Trump đã áp đặt các mức thuế tương tự đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn cho một loạt hàng hóa nhập khẩu, khiến họ ít lựa chọn ngoài việc chấp nhận giá cao hơn.Ngoài ra, các quốc gia ở Nam Âu ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn vì họ không xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ như các nước láng giềng công nghiệp hùng mạnh ở phía Bắc của châu lục, bao gồm Đức và Pháp. Hơn nữa, các thủ đô của châu Âu cũng đang tăng chi tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.Sau hai năm suy thoái liên tiếp, Berlin đang bơm hàng trăm tỷ USD kích thích nền kinh tế Đức - được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm 2026. Nhưng dưới tác động của thuế quan, ông Schularick nhận định nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Đức sẽ bị hao hụt 0,5%. Ông nói: “Điều này sẽ làm suy yếu đà phục hồi, nhưng vẫn có thể kiểm soát được”.Ban đầu, châu Âu phải đối mặt với mối đe dọa áp thuế 20% khi ông Trump bắt đầu cuộc tấn công toàn cầu chống lại các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4. Tuy nhiên, con số đó đã được giảm xuống còn 10% với thời hạn áp dụng dự kiến ban đầu là từ ngày 9/7. Các nhà đàm phán và kinh tế học đã chấp nhận mức độ đó và nhiều doanh nghiệp châu Âu đã bắt đầu hoạt động với giả định rằng thuế 10% sẽ được duy trì. Đồng thời, các nhà đàm phán châu Âu đang nỗ lực đàm phán với phía Mỹ để giành được các nhượng bộ cho các lĩnh vực quan trọng bao gồm ô tô, thép và nhôm.Người đứng đầu hiệp hội kinh doanh chính của Italy đã cảnh báo rằng mức thuế 10% có thể khiến nước này thiệt hại 20 tỷ euro, tương đương 23,6 tỷ USD, do mất một lượng lớn hàng xuất khẩu và dẫn đến mất 118.000 việc làm vào năm 2026.Các nhóm doanh nghiệp ước tính mức thuế 30% sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho nhiều công ty châu Âu. Bà Hildegard Müller, người đứng đầu nhóm vận động hành lang chính cho các nhà sản xuất ô tô Đức V.D.A. đã nói rằng các mức thuế mới nhất là "đáng tiếc" và kêu gọi các nhà đàm phán tìm giải pháp "càng nhanh càng tốt”. Bà nói thêm rằng các loại thuế đối với ô tô được áp dụng từ tháng 5/2025 đã khiến các nhà sản xuất ô tô Đức thiệt hại hàng tỷ USD.BusinessEurope, một nhóm thương mại đại diện cho các công ty lớn nhất châu Âu cho biết việc duy trì mức thuế 30% là "không thể chấp nhận được."Các ngành công nghiệp lớn khác của châu Âu, như rượu vang, rượu mạnh và các sản phẩm nông nghiệp khác, vốn quan trọng đối với Pháp, Italy và Tây Ban Nha, sẽ chịu thiệt hại khi mức thuế cao hơn. Ví dụ, khoảng 90% sản lượng rượu Cognac của Pháp được xuất khẩu sang Mỹ. Đầu tháng này, EU đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về xuất khẩu rượu mạnh, giải quyết tranh chấp với một thị trường lớn khác cho các nhà sản xuất Cognac.Trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu trả đũa bằng cách áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào châu Âu nếu mức thuế 30% được duy trì. Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, cũng chỉ trích các mối đe dọa thuế quan mới nhất này. Ông nói: "Mở cửa kinh tế và thương mại để tạo ra sự thịnh vượng. Các loại thuế không chính đáng sẽ hủy hoại mục tiêu này”.