Đối thoại mới với quá khứ

Hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước tiếp tục nhấn mạnh giá trị của những bộ phim kinh điển về đề tài chiến tranh như Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc…; những bộ phim chiến tranh hiếm hoi tạo nên cơn sốt phòng vé như Đào, phở và piano; Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối; hay cách nhà làm phim trẻ đối thoại với quá khứ qua các bộ phim như Truyền thuyết về Quán Tiên và sắp tới là Mưa đỏ…

Hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước

Hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước

TS. Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng BTC LHP bày tỏ: “Chiến tranh - với tất cả những mất mát, hi sinh và khát vọng hòa bình - luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh.

Từ sau ngày thống nhất đất nước, các nhà làm phim Việt Nam đã không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca, mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, về ký ức và sự hòa giải.

Những tác phẩm như Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc hay Truyền thuyết về Quán Tiên không chỉ ghi dấu ấn nghệ thuật, mà còn là những lát cắt chân thực về lịch sử, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống trong mỗi thế hệ người Việt.

Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các thế hệ nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và công chúng cùng trao đổi, đánh giá và định hướng cho tương lai của dòng phim này trong bối cảnh mới - khi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.

Đặc biệt, phim chiến tranh sau thống nhất không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là công cụ giáo dục lòng yêu nước và lịch sử hào hùng dân tộc. Những bộ phim giúp người trẻ hiểu được giá trị của hòa bình và sự hi sinh của cha ông.

Các nghệ sĩ, nhà làm phim đối thoại về đề tài phim chiến tranh

Các nghệ sĩ, nhà làm phim đối thoại về đề tài phim chiến tranh

Viện trưởng Viện phim Lê Thị Hà nhấn mạnh, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Các nhà làm phim Việt Nam, với lòng yêu nước, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến vĩ đại đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nghe nhìn điện ảnh lẫn truyền hình, nhằm thông tin, động viên ý chí kiên cường toàn dân đánh giặc; vinh danh những gương hi sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng.

“Đồng hành cùng chương trình Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước tại LHP Châu Á – Đà Nẵng lần III, 18/22 bộ phim truyện chiến tranh đặc sắc sản xuất trong giai đoạn từ năm 1977 đến nay, lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, đã được lựa chọn trình chiếu phục vụ tại nhiều hệ thống rạp ở TP Đà Nẵng”, bà Lê Thị Hà chia sẻ.

Câu chuyện về "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được quan tâm, phân tích kỹ càng tại hội thảo

Câu chuyện về "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được quan tâm, phân tích kỹ càng tại hội thảo

Nhìn nhận về giá trị thực sự ở một bộ phim chiến tranh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh, một bộ phim chiến tranh tốt cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật. Phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức. Phải cho người xem thấy được tính hai mặt của một cuộc chiến, thấy cả vinh quang và bi kịch của chiến tranh.

“Phim chiến tranh càng có chiều sâu khi đi vào tâm lý, bi kịch và cảm xúc của từng con người trong một guồng quay khốc liệt trong đó người lính không chỉ là công cụ chiến đấu – mà còn là người cha, người anh, người con, người của tình yêu thương gia đình mà họ thuộc về…”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhận định.

Đối thoại mới với quá khứ

Đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh QĐND) chia sẻ, làm phim chiến tranh đối với thế hệ các nhà làm phim trẻ đương nhiên là áp lực, nhưng cũng là niềm đam mê không thể dừng lại.

Con đường mà thế hệ các nhà làm phim trẻ đang bước đi, như cách nói của Đặng Thái Huyền, là để khẳng định một điều rằng làm phim chiến tranh không chỉ khó, khô, khổ mà còn là tâm huyết của nhiều đạo diễn trẻ, là thông điệp và câu chuyện họ muốn nói với công chúng.

“Đôi khi ở hiện trường tôi tĩnh lại, tự hỏi mình rằng liệu khán giả có muốn, có hiểu và thấy thú vị với điều mình muốn nói trong phim không? Tôi cố gắng hài hòa trong phim 50% điều mình muốn, 50% hướng đến điều khán giả thích, để phim đến được gần với khán giả hơn, đặc biệt khán giả trẻ với tư duy mới hiện nay” nữ đạo diễn bộc bạch.

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền

Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền

Theo chị, sự xuất hiện dù chưa nhiều của những phim “bom tấn” ở đề tài này chính là điều khích lệ lớn lao cho các nhà làm phim trẻ, như cuộc đối thoại đối với khán giả ngày nay.

“Trước đây phim chiến tranh chỉ theo một hướng tuyên truyền, thì ngày nay phim đã trở thành một sản phẩm thương mại, có bán vé, có đối thoại sòng phẳng với khán giả. Chính sự đối thoại sòng phẳng này đã khiến các nhà làm phim có cơ hội làm phim chương trình tốt hơn”, đạo diễn Đặng Thái Huyền nhận xét.

Đạo diễn Đào Duy Phúc cho rằng, những năm 2000, chiến tranh đã kết thúc gần ba thập kỷ, độ lùi về thời gian đã giúp các đạo diễn trẻ chiêm nghiệm, khiến họ bộc lộ những cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn. Chiến tranh không chỉ là tấm huân chương lấp lánh mà còn là những góc khuất đằng sau nó.

Trong dòng chảy ấy, các đạo diễn trẻ ngày nay đang đối diện với một thách thức lớn: làm mới đề tài chiến tranh, cách mạng sao cho vừa trung thành với lịch sử, vừa gần gũi với cảm quan thẩm mỹ đương đại.

Theo đạo diễn Đào Duy Phúc, trước hết, việc đạo diễn trẻ tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng mang lại một góc nhìn khách quan và nhân bản. Họ không trực tiếp trải qua chiến tranh nên có thể thoát khỏi lối kể sử thi hóa.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ góc nhìn của người làm phim trẻ về đề tài chiến tranh

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ góc nhìn của người làm phim trẻ về đề tài chiến tranh

Khác với phim chiến tranh giai đoạn trước, chủ yếu mang âm hưởng tụng ca, một số đạo diễn trẻ đã lựa chọn đề tài hậu chiến làm nên những bè trầm trong bản nhạc, chủ yếu đi sâu vào những góc khuất của số phận, những khoảng lặng của chiến tranh với những nỗi đau giằng xé của người ở lại.

Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ vui mừng khi sau 6 năm ra mắt, Truyền thuyết về Quán Tiên được chiếu tại DANAFF III, là dịp để anh được chiêm nghiệm, cùng khán giả chia sẻ những xúc cảm chân thành.

“Để những người trẻ có thể cảm nhận và truyền tải sự khốc liệt chiến tranh qua phim, bản thân tôi đã xem, nghiên cứu thật nhiều. May mắn khi tôi vào Hãng phim Truyện Việt Nam đã được đi làm phim Những người viết huyền thoại, vừa là phó đạo diễn, vừa là diễn viên. Trải qua những cảnh quay càng thấy những khốc liệt của cuộc chiến, và sự tâm huyết, khó khăn của việc làm phim về đề tài chiến tranh.

Thế nhưng, dù khó khăn nhưng mảng đề tài này vẫn luôn mang đến những khát khao, mong muốn được kể câu chuyện về quá khứ, dù trong thời bình, và dù chúng tôi là những người làm phim trẻ. Có đôi khi tôi nhớ mùi thuốc súng, tiếng súng AK 47…, như một sự kích thích niềm khát khao trong tôi vậy”, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.

BẢO NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/doi-thoai-moi-voi-qua-khu-148541.html
Zalo