Đối phó với sóng dữ
Vùng biển Lâm Đồng có nhiều cồn cát, đồi cát ven biển lẫn các nhánh núi hướng ra biển, tạo cảnh quan thiên nhiên và các bãi tắm đẹp thu hút khách du lịch.

Biển xâm thực ở phường Tiến Thành, Lâm Đồng
Và chính những “tường thành” ven biển trên, khi trường gió mùa Tây Nam xuất hiện với hướng thổi song song và cắt bờ, làm cho nước biển tầng mặt ở vùng ven bờ bị đẩy lùi ra khơi, nhường cho nước từ các tầng sâu vào. Đó là cơ chế hình thành vùng nước trồi. Và theo đó những cơn sóng lớn ập vào bờ, trong khi bờ biển của tỉnh có cấu tạo địa chất toàn cát, lại đúng hướng Đông Bắc - Tây Nam, trực tiếp đón gió và sóng, nên đã gây ra xói mòn và sạt lở bờ biển vừa âm thầm vừa tức thì, tùy đoạn. Vì thế, trong năm trên đất liền đón những mùa đón khách du lịch, mùa sản xuất, kinh doanh thì ven bờ biển cũng có 2 mùa sạt lở: Mùa gió Đông Bắc (tháng 11 đến tháng 4 năm sau) và gió mùa Tây Nam.
Bây giờ, đang tháng 7 cũng là vào cao điểm mùa gió Tây Nam nên bờ biển của tỉnh lại tiếp tục lở ở các khu vực xung yếu, khoảng 20/192 km đã kéo dài từ năm 2010 đến nay ở các xã, phường thuộc các huyện, thị, thành phố cũ gồm Tuy Phong, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam và La Gi… Dù Nhà nước lẫn tư nhân nỗ lực xây dựng kè các loại ở khu vực này nhưng vì không đủ kinh phí nên chưa đầu tư hoàn chỉnh, trong khi sóng biển thì tấn công bằng phút, bằng giờ nên cứ vào cao điểm gió là biển lại lở.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, từ nguồn vốn ngân sách, toàn tỉnh đã xây dựng được 32.737 m kè biển (riêng Phú Quý 7.833 m) và 5.323 m kè tạm. Riêng doanh nghiệp đầu tư để bảo vệ bờ biển thì theo nhiều loại kè như kè mỏ hàn đá đổ có tổng chiều dài 1.077m, được xây dựng tại khu vực bờ biển Phú Hài, Tân Thành, Tân Thắng; kè mái nghiêng bê tông dài 884,19 m, kè đá xây dài 140 m, kè tạm ống cát geotube chủ yếu ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né…
Nhờ vậy, trước mắt đã góp phần ổn định bờ biển tại nhiều khu vực xung yếu tạo thuận lợi phát triển du lịch, an sinh xã hội cho Nhân dân vùng ven biển, phát triển đánh bắt hải sản, kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Hiện 7 kè đã có tên với tính chất bức xúc, ngoài Kè Bình Thạnh dài 490 m đã phê duyệt thiết kế, còn các kè khác chưa có chủ trương…
Điều đáng lo là vấn đề không chỉ ở có vốn cho xây dựng kè mà là lựa chọn xây kè loại nào ở vùng ven biển tập trung nhiều khu du lịch để vừa ngăn biển xâm thực, mà vừa có bãi tắm thuận tiện cho du khách. Đó là điều rất khó, vì thực tế, loại kè biển nào cũng có ưu và nhược riêng. Ở góc nhìn của quản lý nhà nước, của các cơ sở du lịch, nhất là ở vùng Mũi Né thì hiện chưa có hướng thống nhất rõ ràng. Và đây là câu chuyện dài, còn tiếp tục cần quan tâm xử lý sắp tới, vì ứng phó với sóng dữ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu này luôn không đơn giản.
Ngày 30/6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành công văn hướng dẫn xây dựng kè tạm bằng ống cát GeoTube các khu du lịch khu vực Hàm Tiến - Mũi Né. Theo đó, giải pháp kè tạm ống cát bao gồm kè bờ (đặt song song với bờ) kết hợp kè mỏ hàn (đặt vuông góc với bờ); tim kè bờ đặt trùng với tim tuyến đường bờ cơ sở, cách ranh giao đất về phía biển trung bình 20 m nhằm đảm bảo giữ được bãi tối thiểu 20 m…