Đời nghêu...

Khi mặt trời còn chưa dịu nắng, trên vùng biển ở xã Đông Sơn, từng tốp người tay xách, nách mang dụng cụ đi về phía bãi triều để mưu sinh bằng nghề cào nghêu. Trên nền cát ướt mềm, những con người gắn bó với nghề cặm cụi cào từng con nghêu nhỏ. Một công việc mưu sinh tưởng đơn giản, nhưng cũng đầy nhọc nhằn, gian truân của người dân miền biển.

Nghề của những người chờ con nước

Công việc cào nghêu không ồn ào, cũng chẳng rộn ràng nhưng lại có phần vội vã, hối hả mỗi khi con nước bắt đầu rút. Năm này qua năm khác, mỗi mùa nghêu về, bãi triều như điểm hẹn quen thuộc của nhiều người dân nơi đây. Từng nhịp kéo cào, từng bước chân chậm rãi trên nền cát ướt như được lặp đi lặp lại theo một vòng quay bất tận của thiên nhiên.

Thoạt nhìn, công việc tưởng chừng như nhẹ nhàng so với nhiều nghề mưu sinh bám biển khác. Ấy vậy mà, chính cái công việc đơn giản này lại âm thầm giúp cho biết bao người dân vùng ven nơi đây có thêm được nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và cũng bởi lẽ đó mà có người đã gắn bó với với nghề suốt hơn chục năm qua.

Thủy triều bắt đầu rút là lúc người dân bắt đầu công việc cào nghêu.

Thủy triều bắt đầu rút là lúc người dân bắt đầu công việc cào nghêu.

Thủy triều bắt đầu rút là lúc người dân bắt đầu công việc cào nghêu.

Thủy triều bắt đầu rút là lúc người dân bắt đầu công việc cào nghêu.

“Cứ canh khi nào con nước rút là tôi lại ra biển, ngày nào nước rút là ngày đó có việc để làm”, bà Nguyễn Thị Tùng (62 tuổi), thôn Phú Nhiêu 2, xã Đông Sơn, vừa nói vừa chăm chú dõi mắt theo chiếc cào sắt trên mặt cát mịn, đôi tay chai sạn thoăn thoắt như thể đã quá quen với từng thớ cát, từng nếp sóng của biển. Bà Tùng làm nghề này đã gần 20 năm, hoàn cảnh gia đình mẹ góa con côi, không có nhiều ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định nên ngoài công việc đồng áng hễ cứ tới mùa nghêu là bà lại ra biển cào để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ban đầu, bà Tùng chỉ đi theo người quen và cào nghêu theo bản năng. Không ai chỉ dạy cặn kẽ nhưng rồi năm này qua năm khác, biển dạy cho bà cách xem con nước, biết lúc nào con nước lên, lúc nào con nước xuống để biết đường mưu sinh. “Mỗi đợt nước rút kéo dài chừng vài tiếng thôi, không tranh thủ là không kịp. Lúc nước rút, tôi tranh thủ ra cào khi nào nước lớn lại thì về. Một buổi như vầy, lúc có nhiều nghêu thì tôi bắt tầm được 6 - 7kg, bán cũng được hơn 200 nghìn đồng. Số tiền đủ để đi chợ, mua thuốc men. Đỡ lắm!”, bà Tùng vừa kể bàn tay vừa khẽ vỗ nhẹ lên bao lưới đựng nghêu vừa thu được như vuốt ve thành quả của cả một buổi dầm lưng ngoài sóng cát.

Giản đơn mà gian nan

Dụng cụ để cào nghêu thoạt nhìn rất đơn giản, chỉ cần một thanh sắt nẹp giữa 2 thanh gỗ cùng với chiếc bao lưới là có thể bắt đầu công việc. Nhưng với dụng cụ ấy, nghề cao nghêu rất cần đến sức bền, sự dẻo dai và cả sự kiên nhẫn. Để bắt được nghêu, người cào cần phải cúi khom người liên tục, tay ấn mạnh thanh sắt xuống dưới lớp cát, sau đó kéo đi thụt lùi về phía sau cho đến khi nào nghe thấy âm thanh rột roạt của vỏ nghêu chạm với thanh sắt thì dừng lại dùng tay xới lớp cát lên để nhặt.

Dụng cụ cào nghêu khá nặng nên người cào cần phải có sức khỏe tốt.

Dụng cụ cào nghêu khá nặng nên người cào cần phải có sức khỏe tốt.

Giá nghêu hiện tại khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg tùy theo kích thước.

Giá nghêu hiện tại khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg tùy theo kích thước.

“Làm riết rồi quen, nhiều người họ có kinh nghiệm nên không cần mang theo dụng cụ cào mà chỉ cần dùng tay để bới cát lên rồi bắt thôi. Nhọc thì nhọc thiệt nhưng mà vui”, ông Hà Hòa (65 tuổi) chia sẻ. Dáng người gầy gò, làn da sạm nắng, ông cười hiền khô kể rằng ngoài việc đánh cá, mỗi đợt tới mùa nghêu là ông lại ra biển để bắt như một thói quen, vậy mà ngót nghét cũng đã chục năm nay.

Được biết, mùa nghêu thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 âm lịch, nhưng rộ nhất là từ tháng 5 đến tháng 8. Nghề này không phải lúc nào cũng có thu nhập ổn định, có hôm trúng đậm nhưng cũng có lúc cả buổi chỉ được vài ký nghêu nhỏ. Dẫu bấp bênh là thế nhưng thứ lộc biển này đã trở thành chiếc phao cứu sinh của rất nhiều người dân nơi đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn.

“Công việc này không đòi hỏi kinh nghiệm nhiều, chủ yếu là cần có sức khỏe thôi. Nhiều hôm đi cào về lưng đau lắm, tưởng hôm sau chắc không đi nổi nữa nhưng không đi thì lại buồn, nên tới giờ là tôi lại vát bao lưới ra biển”, ông Hòa vui vẻ nói.

Nghề cào nghêu chỉ giản dị vậy thôi, mà ẩn chứa biết bao giá trị của cuộc sống mưu sinh nơi miền biển…

Bài, ảnh: ÁI VY

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/doi-ngheu-54210.htm
Zalo