Đổi mới phương pháp dạy học qua chủ đề Lịch sử

Tiết thực hành chủ đề Lịch sử trong Nội dung giáo dục địa phương Hải Phòng lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 đã lan tỏa tinh thần đổi mới.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng hoa cô giáo Nguyễn Thị Yến.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng hoa cô giáo Nguyễn Thị Yến.

Lan tỏa tình yêu Lịch sử địa phương

Chiều ngày 27/4, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hải Phòng) đã tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố với tiết dạy thực nghiệm: "Tổ chức tiết thực hành chủ đề Lịch sử trong Nội dung giáo dục địa phương Hải Phòng lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018” năm học 2022- 2023.

Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Lịch sử và học sinh lớp 10A1 đã thực hiện thành công chuyên đề với sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ, giáo viên bộ môn của các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Lịch sử và học sinh lớp 10A1 Trường THPT Lương Thế Vinh thực hiện tiết lên lớp chuyên đề.

Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Lịch sử và học sinh lớp 10A1 Trường THPT Lương Thế Vinh thực hiện tiết lên lớp chuyên đề.

Ở hoạt động khởi động, sau khi dẫn dắt học sinh vào bài với sự hứng khởi, cô Yến cho các em quan sát 4 hình ảnh: Đền Nghè, Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đình Đông (Tiên Lãng, thờ ông ngoại Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Và yêu cầu học trò thiết kế một “tour du lịch” đến các địa danh trên theo lộ trình xuất phát từ Trường THPT Lương Thế Vinh đến điểm gần nhất rồi xa nhất.

Sau 30 giây quan sát hình ảnh, học sinh sử dụng điện thoại vào phần mềm Classpoint để trả lời các câu hỏi. Học sinh làm đúng và nhanh nhất được cô tuyên dương bằng phần thưởng ý nghĩa.

Ở hoạt động thực hành, cô giáo đã nhắc lại nhiệm vụ đã giao cho trò từ 3 tuần trước đó là: Thiết kế sản phẩm học tập giới thiệu về một số công trình kiến trúc thời phong kiến và một số Di tích lịch sử quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt ở Hải Phòng.

Các tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập được cô thông qua, học sinh dựa vào đó để nhận xét, đánh giá nhóm mình và nhóm bạn.

Học sinh tích cực làm việc nhóm trong giờ học.

Học sinh tích cực làm việc nhóm trong giờ học.

Trong hoạt động 2 giờ thực hành, giáo viên yêu cầu học sinh thiết kế một sản phẩm giới thiệu về Trạng nguyên của vùng đất Hải Phòng thời phong kiến.

Các em chia thành 3 nhóm theo sở thích định hướng nghề nghiệp: nhóm MC, nhóm IT và nhóm nhà báo.

Các nhóm được cô cung cấp gói dữ liệu (bản in, file word, file ảnh) về 3 vị Trạng nguyên của vùng đất Hải Phòng. Dữ liệu không ghi rõ thông tin thuộc về Trạng nguyên nào.

Học sinh thực hiện nhiệm vụ đọc dữ liệu; chọn lọc thông tin đúng về vị Trạng nguyên thuộc nhiệm vụ tìm hiểu của nhóm; sắp xếp thông tin dữ liệu thành một sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp của nhóm.

Các em có thời gian thực hiện là 12 phút và đại diện nhóm có 3 phút để trình bày sản phẩm của nhóm mình.

Học sinh tự tin với phần thực hành làm MC dẫn chương trình Chuyển động 24h "phiên bản Trường THPT Lương Thế Vinh".

Học sinh tự tin với phần thực hành làm MC dẫn chương trình Chuyển động 24h "phiên bản Trường THPT Lương Thế Vinh".

Học sinh tự tin, sáng tạo với nhiệm vụ được phân công. Sản phẩm của mỗi nhóm mang màu sắc riêng, phù hợp với năng lực và sở trường của các em. Sau khi nghe học trò trình bày, cô Yến cho học sinh các nhóm tự nhận xét và nhận xét chéo lẫn nhau. Từ đó cô tổng hợp điểm để đánh giá và khen thưởng nhóm học sinh đạt điểm cao nhất.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng ghi nhận và đánh giá cao tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Yến. Tiết dạy thực nghiệm đã đáp ứng tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá.

Đổi mới để phát triển toàn diện

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới đối với lớp 10 cấp THPT.

Nội dung giáo dục địa phương ở cấp THPT có vị trí tương đương các môn học khác. Nội dung bài dạy nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề từ thực tiễn.

Học trò hào hứng với những câu hỏi của giáo viên trong giờ học.

Học trò hào hứng với những câu hỏi của giáo viên trong giờ học.

Cô Hồ Thị Dinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 10 theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Trong đó, chúng tôi đã lựa chọn xây dựng 1 tiết thực hành đối với 3 chủ đề Lịch sử trong Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hải Phòng lớp 10 nhằm thực nghiệm một hình thức tổ chức tiết thực hành chủ đề Lịch sử trong không gian tổ chức là trong trường học, lớp học.

Qua tiết thực hành, học sinh được củng cố, khắc sâu kiến thức về một số công trình kiến trúc thời phong kiến ở Hải Phòng; Trạng nguyên của vùng đất Hải Phòng thời phong kiến; Một số di tích lịch sử quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt ở Hải Phòng.

Cô giáo tổng kết, đánh giá và khen thưởng nhóm học sinh đạt điểm cao trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cô giáo tổng kết, đánh giá và khen thưởng nhóm học sinh đạt điểm cao trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiết thực hành góp phần bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương; ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn, phát huy và quảng bá về những nét đẹp lịch sử - văn hóa của Hải Phòng.

Trong tiết thực hành, học sinh được cô giáo khơi gợi, phát triển năng lực làm việc nhóm và giải quyết vấn đề sáng tạo; năng lực Tin học; năng lực Lịch sử.

Chuyên đề là dịp sinh hoạt chuyên môn sâu rộng giúp giáo viên bộ môn các trường THPT có thêm kinh nghiệm giảng dạy tốt hơn.

Chuyên đề là dịp sinh hoạt chuyên môn sâu rộng giúp giáo viên bộ môn các trường THPT có thêm kinh nghiệm giảng dạy tốt hơn.

" Thông qua việc tổ chức hoạt động thực hành, chúng tôi mong muốn học sinh có thể khám phá thêm về khả năng và sở thích của bản thân để có thể có những định hướng lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, phù hợp trong tương lai theo đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 đã đề ra", cô Dinh chia sẻ thêm.

Tiết lên lớp của cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh đã lan tỏa tích cực tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, qua sản phẩm học tập của học sinh. Từ phương pháp việc đổi mới phương pháp giáo dục, học sinh được hoạt động nhóm, được thực hành và thể hiện năng lực của bản thân về đề tài mà các em lựa chọn đã mang đến một giờ học hiệu quả.

Nguyễn Dịu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-qua-chu-de-lich-su-post636460.html
Zalo