Đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh Khánh Hòa tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn…
22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy; phối hợp, đồng hành của Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh; chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng nỗ lực không ngừng của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bám sát, thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, có 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Cụ thể, một số chỉ tiêu quan trọng như: tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 10,16% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.073 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2023 và vượt 20,3% kế hoạch; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2022-2025) ước đạt 0,77% (kế hoạch 0,48%)...
Công tác quy hoạch tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, nhất là tại Khu kinh tế Vân Phong được quan tâm chỉ đạo. Tích cực, chủ động triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, hội nghị, hội thảo với các đối tác nước ngoài có nhiều tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Việc bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, chế độ; triển khai hiệu quả, thiết thực các chính sách hỗ trợ người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động kinh tế đêm được đẩy mạnh triển khai. Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được quyết liệt thực hiện, thực hành tiết kiệm hiệu quả. Công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt được triển khai chủ động, bám sát tình hình, diễn biến thời tiết và tình hình thực tiễn từng địa bàn để có phương án kịp thời hỗ trợ người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân.
Cùng với đó, cải cách hành chính được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực. Thông qua việc triển khai xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Khánh Hòa; tổ chức thành công Diễn đàn chính sách địa phương được tổ chức với các chuyên đề: “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”; “Phát triển du lịch xanh và bền vững”; “Chuyển đổi số - bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa”; Phê duyệt Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030 và Đề án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh thành phố Nha Trang giai đoạn 2024 - 2030.
Phấn đấu GRDP năm 2025 đạt 10 – 10,5%
Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Tiến độ triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, nhất là các dự án hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Công tác xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, thu tiền sử dụng đất còn vướng mắc. Một số khoản thu ngân sách không đạt dự toán đề ra làm ảnh hưởng việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kết quả thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong còn hạn chế…
2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 5 năm 2021-2025. Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng được củng cố. Đặc biệt, Khánh Hòa được Trung ương quan tâm, hỗ trợ rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội sẽ tạo động lực to lớn tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi còn nhiều thách thức, khó khăn.
Trước thời cơ, thuận lợi đó, cùng với phát huy những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong năm 2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu năm 2025, tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch tăng trưởng kinh tế tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Văn bản số 3569-CV/VPTU ngày 2.12.2022.
Tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo.
Trong đó, đề ra chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt khoảng 9,5 – 10%, phấn đấu khoảng 10 – 10,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 115,6 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,15 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển đạt 95.071 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2024; thu ngân sách nhà nước đạt 24.100 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 21.450 tỷ đồng; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,55%...