Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Bước chuyển mình cần thiết nhưng chưa vững chắc

* Kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ công bố vào 8 giờ ngày 16-7 Từ nay đến ngày 8-7, tất cả địa phương trên cả nước hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, kỳ thi lần đầu tiên triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều thay đổi về cách thức tổ chức, số lượng môn thi, đề thi, tạo ra nhiều 'ẩn số' trong cuộc đua xét tuyển đại học.

Bất ngờ đề Toán và Tiếng Anh

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến đề thi hai môn Toán và Tiếng Anh. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, năm nay mức độ phân hóa của đề thi hai môn Toán và Tiếng Anh “cao đến ngỡ ngàng”, chênh lệch về tỷ lệ phân bổ câu hỏi khó giữa đề thi thật và đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố trước đó.

Tại hội nghị giao ban báo chí ngày 1-7 do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã báo cáo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo đó, nội dung đề thi không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu: bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền. Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn Toán và Tiếng Anh do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ.

Trong những ngày tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học. Bộ GD-ĐT cũng sẽ thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Đây là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình học của học sinh bao gồm cả kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế, giúp học sinh tiếp tục làm quen với việc đánh giá theo định hướng năng lực. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm công bố kết quả thi vào lúc 8 giờ ngày 16-7.

Chuyển hướng trong xét tuyển đại học

Từ thực tế các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, các chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm sàn xét tuyển của các trường đại học sẽ có nhiều thay đổi ở các tổ hợp so với năm 2024. Theo TS Phạm Hồng Danh, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, nguyên giảng viên khoa Toán - Thống kê (ĐH Kinh tế TPHCM), các tổ hợp tự nhiên gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, điểm sàn xét tuyển (điểm đủ điều kiện đăng ký xét tuyển) có thể tăng so với năm 2024.

Dự đoán số lượng bài thi đạt từ 8-10 điểm sẽ nhiều hơn năm ngoái. Do đó, thí sinh chọn các tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) hay các tổ hợp gồm môn Toán và hai môn còn lại trong các môn tự chọn (trừ môn Tiếng Anh) có điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm 2024. Đối với nhóm môn xã hội, giáo viên Y Văn Tuấn, Trường THPT Vĩnh Viễn cho rằng, ngoại trừ môn Ngữ văn ít điểm tuyệt đối (10 điểm) thì những môn còn lại gồm Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ có điểm thi tương đối cao.

Do đó, các tổ hợp xét tuyển có môn Ngữ văn và hai môn còn lại trong số các môn tự chọn sẽ có điểm chuẩn tương đương năm 2024. Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường đại học, năm nay thí sinh chọn các tổ hợp có môn Tiếng Anh chắc chắn sẽ “quay xe” với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trước câu hỏi liệu đề thi quá khó dẫn đến kết quả thi thấp, gây khó cho các trường trong việc tuyển sinh, Bộ GD-ĐT có can thiệp gì vào quá trình xét tuyển, nhất là việc quy đổi điểm theo chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Dũng bày tỏ: “Đề thi khó nhưng phải chờ kết quả thi mới có thể đánh giá đầy đủ. Việc tuyển sinh cần thực hiện theo đúng quy chế. Việc quy đổi điểm tiếng Anh theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thực hiện theo phương thức tuyển sinh đã được các trường công bố”.

- TS HOÀNG NGỌC VINH, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT:

Trong tương lai, đề thi cần hướng đến đánh giá năng lực liên môn, kết nối kiến thức và tư duy phản biện của người học, phù hợp với yêu cầu công dân thế kỷ 21. Về lâu dài, có thể xem xét tăng số môn thi để tạo ra các tổ hợp tuyển sinh linh hoạt hơn. Về hình thức ra đề, đề thi trắc nghiệm có tính khoa học cao, đáp ứng tốt các tiêu chí công bằng, chuẩn xác, độ tin cậy.

Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay ở một số môn thi chưa được đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đó. Cụ thể, cách đặt câu hỏi còn mơ hồ, rối rắm, không phù hợp mặt bằng chung trình độ học sinh. Quy trình biên soạn - thẩm định - chạy thử còn yếu, thiếu ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa nên độ tin cậy và độ khó dao động lớn.

Khi đề thi quá khó có thể dẫn đến kỹ năng mẹo mực hoặc đo lường tốc độ làm bài hơn là đánh giá kiến thức nền tảng của học sinh. Vì vậy, một ngân hàng đề thi đủ tốt sẽ trở thành công cụ để đảm bảo tính khoa học và công bằng. Để phát huy hiệu quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần đầu tư xây dựng ngân hàng câu hỏi với quy trình chuyên nghiệp từ thiết kế câu hỏi, thử nghiệm, phân tích thống kê, thường xuyên cập nhật câu hỏi theo chương trình giáo dục hiện hành và xu thế đánh giá năng lực người học.

THU TÂM - THANH HÙNG - PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doi-moi-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-buoc-chuyen-minh-can-thiet-nhung-chua-vung-chac-post802083.html
Zalo