Đổi mới đề thi - đổi mới giáo dục
HNN - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng: Lần đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018) cho toàn bộ học sinh lớp 12. Sự thay đổi không chỉ ở nội dung chương trình mà còn thể hiện rõ nét trong cấu trúc, cách thức ra đề, phản ánh định hướng chuyển từ 'kiểm tra kiến thức' sang 'đánh giá năng lực'.

Đề thi toán năm nay có 513 thí sinh đạt điểm 10 (ảnh minh họa). Ảnh: M. Châu
Các môn thi đều hướng đến kiểm tra năng lực tư duy, kỹ năng thực hành thay vì chỉ đo kiến thức khô cứng. Đề thi tăng cường liên hệ thực tiễn, giảm khả năng học tủ, học vẹt, đồng thời khuyến khích học sinh thể hiện chính kiến và năng lực cá nhân. Điều đó cho thấy, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã đi vào thực chất của việc "học thật, thi thật".
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ma trận đề không còn định dạng cố định như trước. Cách này nhằm ngăn tình trạng “học tủ”, buộc học sinh phải nắm vững toàn bộ kiến thức, thay vì chỉ ôn luyện theo từng chương phổ biến. Định dạng đề mới đã được Bộ GD&ĐT công bố từ năm 2023 và thử nghiệm trên 12.000 học sinh ba miền để điều chỉnh cho phù hợp.
Với mục tiêu kép vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh đại học, đề thi đã hướng tới đánh giá năng lực. Không còn dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức đã học”, đề yêu cầu cầu học sinh vận dụng để giải quyết tình huống thực tiễn. Câu hỏi được thiết kế theo nhiều định dạng: Trắc nghiệm 4 lựa chọn, đúng - sai, điền ngắn, đọc hiểu (ngoại ngữ). Đề thi phân loại rõ ràng theo 3 mức độ: biết, hiểu và vận dụng.
Mỗi môn thi có nhiều mã đề khác nhau, được chọn ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, không còn chuyện học lệch vì kiến thức trong toàn bộ chương trình đều có thể xuất hiện. Đề thi cũng giảm số lượng câu nhưng tăng chiều sâu. Chẳng hạn, môn toán chỉ còn 22 câu (trước đây 50 câu), nhưng yêu cầu đọc hiểu, lập luận, ứng dụng thực tế cao hơn với nhiều câu mang tính tích hợp liên môn. Xuất hiện các dạng câu hỏi chọn nhiều đáp án, đúng - sai, điền ngắn để hạn chế “điểm lụi” do đoán mò.
Đối với từng môn thi, môn toán được đổi mới định dạng - tăng áp lực. Đề thi có dạng đúng - sai, nhiều lựa chọn, bài toán thực tiễn dài và khá mới lạ. Học sinh phải làm quen với tư duy phản biện, hiểu bản chất toán học, không thể làm máy móc như trước.
Đối với môn ngữ văn, cấu trúc đề vẫn gồm 2 phần đọc hiểu - làm văn, song ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức rộng. Câu nghị luận xã hội gợi mở, khuyến khích trình bày quan điểm cá nhân và tư duy độc lập. Đề môn ngữ văn được đánh giá là một trong những đề thi cân bằng và hợp lý nhất năm nay.
Các môn tổ hợp KHTN & KHXH có sự tích hợp - phân hóa rõ ràng: Câu hỏi có xu hướng gắn thực tế đời sống, liên môn, yêu cầu học sinh tư duy tổng hợp. Đặc biệt, đề thi môn lịch sử năm nay được rất nhiều giáo viên đánh giá hay, phân hóa rất rõ sức học của thí sinh ở các mức trung bình, khá, giỏi và xuất sắc. Ở các câu vận dụng của lịch sử, đề thi đã thể hiện rõ yêu cầu lập luận phản biện thay vì học thuộc lòng một cách máy móc.
Tiếng Anh là môn "gây choáng" nhất vì độ dài và từ vựng học thuật. Đề hơi dài, sử dụng nhiều từ ở mức B2 - C1 như “carbon neutrality”, “greenwashing” và xuất hiện dạng bài “suy luận thông tin ẩn”. Đây là thách thức với học sinh vùng khó khăn, dù các em được tự chọn môn.
Điều tích cực của kỳ thi năm nay là đề thi đã tăng cường kiểm tra năng lực, giảm học thuộc lòng, chống được việc học lệch - học tủ. Với đề thi ngẫu nhiên, học sinh phải học toàn diện. Giáo viên buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu mới.
Dù vẫn còn những vấn đề cần xem xét, nhất là độ khó chênh lệch giữa các vùng miền, rõ nhất ở môn tiếng Anh, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực cải tiến đề thi theo hướng hiện đại, toàn diện, đặt người học làm trung tâm. Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, khi chương trình, phương pháp dạy, điều kiện học tập và đánh giá thi cử đồng bộ hơn, hy vọng ngành giáo dục sẽ thực sự đào tạo được thế hệ học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.
Ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, điểm trung bình môn toán là 4.78; môn ngữ văn có phổ điểm tương đối ổn định với 7.0 điểm; môn tiếng Anh có điểm trung bình là 5,38; môn vật lý điểm trung bình 6,99 điểm; môn hóa học, điểm trung bình là 6,06; môn sinh có điểm trung bình là 5,78 điểm; môn kinh tế và pháp luật điểm trung bình là 7,69; môn tin học có điểm trung bình là 6,78; môn lịch sử có điểm trung bình là 6,52; địa lý có điểm trung bình là 6,63 điểm; môn công nghệ công nghiệp có điểm trung bình là 5,79; môn công nghệ nông nghiệp có điểm trung bình là 7,72.