Đôi dép cao su của nội

Nhà tôi có một chiếc tủ gỗ cũ trong gian nhà giữa đã bạc màu theo năm tháng. Mỗi lần tôi về quê, thể nào cũng thấy nội lúi húi lau bụi chiếc tủ. Có lần, tò mò, tôi hỏi nội:

- Trong đó có gì mà nội quý dữ vậy?

Nội cười, đôi mắt chợt sáng lên như ánh lửa bập bùng năm nào:

- Có cả một thời tuổi trẻ của ông mày ở trong đó cháu ạ!

Nội mở tủ. Ở ngăn dưới cùng, bọc trong mảnh vải cũ sờn là một đôi dép cao su đen. Đế dép đã mòn, quai thì nứt nẻ, nhìn qua chẳng có gì đặc biệt. Với một đứa trẻ như tôi lúc đó, đôi dép ấy chỉ là một vật cũ kỹ. Nhưng ánh mắt nội nhìn nó thì khác lắm, như thể đang nhìn một phần ký ức, một điều gì rất thiêng liêng.

Ngày đất nước yên bình, nội may mắn được trở về quê, sống cuộc sống an yên bên con cháu. Nhưng đôi dép năm xưa vẫn được nội tôi cất giữ cẩn thận. Nó còn đủ bốn quai: Hai quai trước vắt chéo hình chữ X, hai quai sau uốn cong ôm gót chân. Nhìn đơn giản vậy thôi, nhưng mang vào lại vừa vặn, chắc chân, đi rừng đi núi cũng không lo trơn trượt. Quai dép thì bền, hiếm khi đứt. Mà nếu có đứt, chỉ cần mấy cây đinh nhỏ là nội có thể gò lại, đi tiếp như chưa từng hỏng.

Minh họa: MINH QUÝ

Minh họa: MINH QUÝ

- Đôi dép này đã cùng ông đi suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi lại vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Mòn thế này là vì đã dẫm qua không biết bao nhiêu dốc núi, lội qua bao nhiêu sông suối, đi qua bao nhiêu là khói đạn...

Giọng nội trầm xuống, như hòa vào âm vang của những năm tháng lửa đạn. Nội kể, năm ấy ông mới đôi mươi, là lính xung phong gùi đạn lên chiến trường. Trời rét cắt da, chân dẫm bùn lạnh, dép cao su rách quai, lấy dây rừng buộc tạm rồi lại đi tiếp. Có hôm, đồng đội ông nằm xuống ngay bên đường hành quân, dép còn chưa kịp tháo...

- Mỗi lần nhìn dép, ông lại nhớ, nhớ đồng đội, nhớ cánh rừng Trường Sơn mù sương, nhớ mùi đất ẩm nơi hầm hào Điện Biên...

Tôi lặng đi. Vào thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông vừa tròn hai mươi. Thời gian trôi đi, tóc ông bạc trắng, lưng đã còng, nhưng ký ức về những năm tháng khói lửa vẫn chưa hề phai nhạt. Ông bảo, đó là kỷ vật cuối cùng còn giữ được từ thời kháng Pháp.

Hồi ấy, đời sống thiếu thốn trăm bề. Bữa cơm còn không đủ no, nói gì đến giày dép. Những đôi dép cao su đơn sơ đã theo chân những người lính vượt núi băng rừng, đi suốt hành trình của cuộc chiến. Với ông, nó không chỉ là thứ để đi, mà là người bạn đồng hành kiên cường, giản dị mà trung thành như chính những người lính Cụ Hồ năm ấy.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về quê trên chính đôi dép ấy. Nhưng chưa kịp sống trọn một mùa yên bình, ông lại khăn gói lên đường, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đôi dép cũ được ông để lại, như một lời gửi gắm âm thầm cho quê hương. Còn ông, lại đi dứt khoát như bao lần bước qua mưa bom bão đạn của một thời khói lửa.

Hôm nay, tại buổi triển lãm kỷ vật chiến tranh do bảo tàng tỉnh tổ chức, nội tôi ngồi ở hàng ghế đầu. Khi đến phần trưng bày kỷ vật cá nhân, ông mở chiếc túi vải cũ mang theo từ nhà, lấy ra đôi dép cao su đã sờn quai và bạc màu. “Đây là đôi dép tôi đã đi suốt những năm tháng ở chiến trường Điện Biên...”, ông khẽ nói, ánh mắt dừng lại trên đôi dép như đang nhìn thấy một đoạn đời xưa cũ.

Cả gian phòng bỗng chùng xuống. Cách ông nâng niu đôi dép ấy chậm rãi, trân trọng, như đang vuốt ve ký ức đã nói thay tất cả. Đó không chỉ là vật vô tri. Mà là chứng nhân của một thời tuổi trẻ rực lửa. Là mảnh hồn còn sót lại của những người đồng đội đã ngã xuống. Là cả một thời đã sống, đã yêu và đã hiến dâng cho Tổ quốc bằng những điều giản dị nhất.

Năm ấy, tôi học lớp 12, được chọn làm bài văn chủ đề “Ký ức một thời”. Tôi đã viết về đôi dép của nội. Bài văn đạt giải nhất cấp tỉnh. Tôi mang bản in về đọc cho nội nghe. Nghe đến đoạn cuối: “Đôi dép cao su không chỉ là kỷ vật của một người lính già, mà là biểu tượng của cả một thế hệ sống vì đất nước. Đôi dép cũ, nhưng lý tưởng thì không cũ. Nó đã đi qua chiến tranh và tiếp tục bước cùng chúng ta trên con đường hòa bình hôm nay”. Nội rơm rớm nước mắt. Ông nhìn tôi thật lâu, rồi khẽ nói:-Ông không mong gì hơn là tụi con sống cho xứng với những người đã ngã xuống.

Mùa hè vài năm sau đó, nội mất. Từ ngày ấy, chiếc tủ gỗ vẫn nằm im nơi cũ và đôi dép cao su sờn rách, bạc màu vẫn ở nguyên trong ngăn dưới cùng. Nhưng giờ đây, tôi hiểu, thứ còn lại không chỉ là đôi dép mà còn chứa đựng cả lòng yêu nước, sự hy sinh, và những bài học không bao giờ phai mờ.

Linh Châu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/doi-dep-cao-su-cua-noi-195770.htm
Zalo