Độc đáo trang phục người Dao đỏ ở Bắc Kạn

Trong vô số giá trị văn hóa truyền thống đó thì loại hình di sản của đồng bào dân tộc Dao đỏ còn được trao truyền đến hôm nay phải kể đến trang phục truyền thống. Nó là kết quả của sự lao động, sáng tạo và ứng xử với môi trường tự nhiên, không gian sinh tồn.

Bắc Kạn, một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc, như Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa và Sán Chỉ. Trong số đó, người Dao có dân số đứng thứ hai toàn tỉnh. Hiện tại thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn là một nơi có đông cộng đồng người Dao đỏ sinh sống của tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây đồng bào còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ phục truyền thống (trái) và trang phục ngày thường của phụ nữ Dao đỏ.

Lễ phục truyền thống (trái) và trang phục ngày thường của phụ nữ Dao đỏ.

Trong vô số giá trị văn hóa truyền thống đó thì loại hình di sản của đồng bào dân tộc Dao đỏ còn được trao truyền đến hôm nay phải kể đến trang phục truyền thống. Nó là kết quả của sự lao động, sáng tạo và ứng xử với môi trường tự nhiên, không gian sinh tồn. Vượt lên trên cả, ở đó chứa đựng biết bao giá trị từ triết lý sống đến nghệ thuật thị giác bởi sự kết hợp hài hòa về màu sắc, đường nét hoa văn trang trí cũng như hình dáng trang phục. Nó không đơn thuần là sản phẩm vật chất mà còn thể hiện giá trị thẩm mỹ, cá tính, bản sắc văn hóa.

Không chỉ là trang phục

Trang phục cổ truyền của người Dao đỏ được đánh giá là một trong những loại trang phục có hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo trong các dân tộc ở Việt Nam. Với những gam màu cơ bản như đỏ, chàm, xanh, vàng và trắng cùng các chất liệu từ vải đến phụ kiện trang sức bằng bạc. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ là một kho tàng nghệ thuật dân gian đặc sắc, thể hiện cá tính của tộc người. Hoa văn trang trí hiện diện trên khăn, mũ, áo, yếm, quần, dây lưng không đơn thuần là các chi tiết tạo điểm nhấn mà còn phản ánh sự khác biệt về giới tính, lứa tuổi, thậm chí trong các hoạt động tín ngưỡng hay sinh hoạt cộng đồng.

Trong đời sống văn hóa thường nhật của người Dao đỏ, thêu thùa hay khâu vá là công việc gắn liền với người phụ nữ những lúc nông nhàn. Các cô gái thường được học thêu từ năm 10-12 tuổi, đến 14 tuổi có thể tự tay thêu trang phục của mình. Sự khác biệt lớn nhất của đồng bào Dao đỏ vùng Chợ Đồn với các tộc người khác là không biết dệt vải. Toàn bộ nguyên liệu làm trang phục đều mua từ cộng đồng khác như Tày, Nùng, Sán Chỉ, Hoa.

Để làm được một bộ trang phục cô dâu nhanh nhất cũng phải 12 tháng. Nó đặc biệt ở chỗ các chi tiết hoa văn rất tinh xảo, phụ kiện đi kèm như khăn, mũ đội đầu được thêu cầu kỳ. Trong kỹ thuật thêu của người Dao đỏ khác lạ ở điểm thêu không cần khung nên thêu ở bất kỳ đâu và thêu mặt trái. Tức là thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết hoa văn lại nổi lên trên mặt phải. Màu sắc trên trang phục của phụ nữ Dao đỏ gồm 5 màu là đỏ chủ đạo, xanh, vàng, trắng, chàm điểm xuyết.

Các nghệ nhân Triệu Thị Lai, Đặng Thị Ngoạt, Triệu Thị Tiên, Hoàng Thị Liều cho biết quan niệm dân gian về màu sắc như sau:

Màu đỏ biểu hiện sự hạnh phúc, ấm no, tươi vui, may mắn; là màu chủ đạo tạo điểm nhấn của trang phục. Màu trắng được kết hợp khéo léo với màu đỏ trong các họa tiết hình tam giác ngược xuôi hay ngang, dọc. Sự phối hợp này làm cho màu trắng ở bất cứ vị trí nào đều giúp các màu khác nổi bật. Màu vàng tượng trưng cho sự đầm ấm. Màu xanh là màu của môi trường tự nhiên. Màu chàm là màu làm nền, giữ vai trò chính, chiếm tỷ lệ cao nhất trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ.

Sự khéo léo của nghệ nhân dân gian khi lấy màu chàm làm nền kết hợp cùng sắc đỏ, xanh, vàng, trắng tạo một hiệu ứng tích cực trong nghệ thuật thị giác. Nhìn tổng thể các họa tiết hoa văn dù nhỏ nhưng vẫn nổi bật trên nền chàm mà không chói hoặc mờ. Đây có lẽ là sự tinh tế nhất trong nghệ thuật phối màu của đồng bào Dao đỏ.

Trang phục của phụ nữ Dao đỏ gồm hai loại: thường phục và lễ phục. Thường phục có phần đơn giản, không có 2 hàng quả bông đỏ phía trước vạt áo. Áo thường ngày cũng làm từ vải chàm hoặc đen, không khoét nách, chiết eo hay thêu hoa văn, chỉ có viền xanh ở ngực và tay áo. Quần thường phục cũng làm bằng vải đen, không trang trí hoa văn và dùng dây rút ở cạp. Dây lưng thường phục dệt từ vải chàm, quấn vòng quanh bụng, ít hoặc không có hoa văn.

Lễ phục là loại trang phục được sử dụng khi tham gia các sự kiện quan trọng như các dịp lễ của cộng đồng, tết hoặc du xuân trẩy hội; được trang trí công phu, cầu kỳ hơn. Áo dài lễ phục làm từ vải chàm, nổi bật với phần trang trí những quả bông đỏ rực rỡ hoặc đỏ xen lẫn xanh, vàng nổi bật dọc theo cổ áo và các họa tiết thêu cầu kỳ dọc nẹp áo, gấu áo, cửa tay áo.

Các họa tiết gồm hình cây cỏ, quả trám, sóng nước, đầu Tam Thanh, ngôi sao và nhiều băng hoa văn chạy viền. Các đường thêu ở cửa tay và gấu áo thường mang hình sóng nước tạo cảm giác uyển chuyển hài hòa. Sự khác biệt ở chỗ áo lễ phục thường lót thêm lớp vải xanh bên trong, tạo độ dày và vẻ sang trọng.

Trang phục nam cũng chia thành 2 loại thường phục và lễ phục. Các họa tiết ít hơn rất nhiều so với trang phục của nữ, màu chàm là màu chủ đạo. Trang phục của chú rể có thêm khăn quấn đội đầu, ở đó thêu hoa văn sắc màu, mũ của thầy cúng người Dao đỏ cũng có sự khác biệt so với mũ của thầy cúng các dân tộc khác.

Trang phục của thầy cúng người Dao đỏ.

Trang phục của thầy cúng người Dao đỏ.

Thầy cúng có vị trí nhất định trong cộng đồng, vì vậy trang phục của thầy cúng cũng là loại đặc biệt và chỉ sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Ông Triệu Xuân Minh - người giữ vai trò thầy cúng trong cộng đồng chia sẻ: “Khi thực hành nghi lễ, thầy cúng phải mặc bộ trang phục riêng với màu đỏ làm chủ đạo kết hợp mũ”.

Áo khoác không ống tay, làm từ vải đỏ hoặc vải hoa đỏ, được trang trí cầu kỳ kết hợp cùng những dải vải đỏ chạy dọc cổ áo, nẹp ngực, gấu áo và hai bên thân áo. Hoa văn tập trung ở cổ áo, gấu áo và vạt áo trước, sau, đó là hình sao tám cánh, cây cỏ, chong chóng, hoa vuông, hình người, ngựa, hồ lô, cá, rồng và hoa thông. Mặt sau áo trang trí biểu tượng ấn Bàn Vương và 28 vì tinh tú, thể hiện giá trị ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Với trẻ em Dao đỏ, trang phục gần giống của người lớn nhưng đơn giản và ít hoa văn hơn. Đặc biệt, mũ và áo là hai thành tố chính thể hiện nét đẹp trang phục trẻ em. Mũ trẻ em nam và nữ có kiểu dáng giống nhau, được tạo từ tám mảnh vải tam giác cân ghép thành hình chóp. Bốn mảnh vải đỏ không thêu hoa văn xen kẽ với bốn mảnh vải màu chàm thêu hoa văn cây tam thanh trắng đỏ.

Mũ trẻ em nam còn được đính bốn quả lục lạc bạc phía trước. Mũ trẻ em nữ thêu nhiều hoa văn hơn, chủ yếu là cây cỏ, hoa, cây thông với màu xanh, vàng, trắng. Đỉnh mũ đính một quả bông cùng tám tua len rủ xuống, và vành mũ phía trước trang trí bằng hoa bạc gồm 11 bông. Hoa bạc là đặc trưng riêng của mũ trẻ em nữ. Quai mũ làm từ chuỗi hạt cườm màu sắc rực rỡ, tạo thêm điểm nhấn sinh động cho mũ.

Tâm hồn cộng đồng trên từng nét hoa văn

Nhìn từ trang phục truyền thống cho thấy nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Dao đỏ không chỉ đa dạng về kiểu dáng và màu sắc mà còn thể hiện tính thẩm mỹ và tâm hồn cộng đồng. Các họa tiết cây cỏ, động vật và biểu tượng truyền thống được bố trí hài hòa, sử dụng kỹ thuật thêu, ghép vải, và kết hợp kim loại bạc để tạo nên trang phục giàu giá trị văn hóa và nghệ thuật.

Với các giá trị độc đáo, năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo này.

Ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn cho biết: “Lãnh đạo địa phương luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn nói chung, đồng bào Dao đỏ nói riêng. Hiện nay nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục người Dao đỏ đã được công nhận là một di sản văn hóa. Chính quyền vui mừng khi thấy bà con dân tộc Dao có ý thức luôn luôn nhắc nhau phải lưu truyền lại những bộ trang của đồng bào mình. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội thì họ đều sử dụng bộ trang phục truyền thống đó để đi chơi hội và những cô gái luôn tự làm cho mình một bộ trang phục để mặc trong lễ cưới của mình”.

Nói đến vấn đề bảo tồn nghề thêu hoa văn trên trang phục truyền thống, bà Triệu Thị Sỉnh người dân trong Bản Cuôn khẳng định, hiện nay tại Bản Cuôn nói riêng và Bắc Kạn nói chung, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ vẫn hàng ngày được duy trì và khuyến khích trong các hoạt động văn hóa và du lịch tại địa phương.

Nguyễn Tiến Lộc

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/doc-dao-trang-phuc-nguoi-dao-do-o-bac-kan-i773687/
Zalo