Độc đáo hệ thống hang động Kinh Môn

Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) hiện có gần 30 hang động tự nhiên. Ẩn chứa trong lòng hệ thống hang động này có rất nhiều điều bất ngờ, thú vị.

Ni sư Thích Diệu Mơ trụ trì chùa Nhẫm Dương và Phật tử phía trước hang Thánh Hóa

Ni sư Thích Diệu Mơ trụ trì chùa Nhẫm Dương và Phật tử phía trước hang Thánh Hóa

Những cái tên nổi tiếng

Trong chuyến hành hương về chùa Nhẫm Dương, phường Duy Tân (Kinh Môn), anh Phan Tiến Dũng ở quận Kiến An (TP Hải Phòng) hào hứng leo lên phía hang Tĩnh Niệm. Từ đỉnh núi, anh phóng tầm mắt ngắm nhìn hòn Con Khỉ, hòn Yên Ngựa, ngắm nhìn một vùng rộng lớn với cánh đồng, làng mạc, rừng cây, dòng sông Đá Vách, Kinh Thầy… Qua cửa hang Tĩnh Niệm, hơi mát tỏa ra làm dịu ngay cái oi nóng của đầu hè. “Những nhũ đá hình thù đa dạng ở trong hang tạo nên một thắng cảnh có giá trị về địa chất, địa mạo mà không phải nơi nào cũng có được”, anh Dũng nói.

Hang Thánh Hóa, phía sau chùa Nhẫm Dương còn là nơi phát hiện dấu tích người tiền sử. Năm 2000 - 2001, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di cốt hóa thạch của 27 loài động vật (voi, tê giác, hổ, lợn rừng, nhím…); nhiều răng Pongoo (đười ươi). Theo giám định của Viện Khảo cổ học và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, những hóa thạch, di vật này có cách đây từ 3 vạn đến 5 vạn năm.

Động Kính Chủ còn lưu giữ hệ thống bia ma nhai đặc sắc với 47 tấm, như một bảo tàng văn bia thu nhỏ

Động Kính Chủ còn lưu giữ hệ thống bia ma nhai đặc sắc với 47 tấm, như một bảo tàng văn bia thu nhỏ

Ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hang động ở Kinh Môn còn giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Nổi tiếng nhất trong hệ thống hang động ở đây phải kể đến động Kính Chủ ở phường Phạm Thái, trong thời phong kiến từng được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động” (động đẹp thứ 6 trời Nam). Động còn lưu giữ hệ thống bia ma nhai đặc sắc với 47 tấm, như một bảo tàng văn bia thu nhỏ. Đây cũng là số bia có nhiều nhất trong các hang động ở Việt Nam. Các văn bia có niên đại từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Tất cả được khắc ngay trên vách đá, lưu bút tích của nhiều danh nhân, tao nhân mặc khách, từ các bậc vua chúa, trí giả, sư sãi, quan lại đến thợ đá. Nội dung bia phong phú...

Hệ thống bia ma nhai được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017 và góp phần làm sâu sắc thêm hồ sơ di sản mà Hải Dương cùng Quảng Ninh, Bắc Giang xây dựng, đệ trình để UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới.

Tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động Kính Chủ, khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động Kính Chủ, khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Mạc Thị Huyền cho biết nhiều hang động ở Kinh Môn còn gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước. Hang chùa Mộ ở phường Tân Dân từng là an toàn khu của Ủy ban Kháng chiến hành chính các xã Kim Sơn, Hưng Đạo, Xuân Sơn (Đông Triều, Quảng Ninh); nơi tập kết của Đại đội Lê Lợi trong kháng chiến chống Pháp; là công xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài của Quân khu 3 trong kháng chiến chống Mỹ. “Hay như động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít ở phường Minh Tân xưa kia cũng là căn cứ địa chống Pháp của người thủ lĩnh kiên cường mang tên Đốc Tít…”, bà Huyền chia sẻ.

Lan tỏa giá trị

Đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới thẩm định các cổ vật khai quật được tại hang Thánh Hóa (ảnh tư liệu)

Đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới thẩm định các cổ vật khai quật được tại hang Thánh Hóa (ảnh tư liệu)

Trong giờ học môn lịch sử của cô trò lớp 8A, Trường THCS Duy Tân, phường Duy Tân (Kinh Môn), học sinh thích thú khi tìm hiểu về các cổ vật được tìm thấy tại hang Thánh Hóa. Ngoài giờ học lý thuyết trên lớp, các em còn được đi thực tế tại chùa Nhẫm Dương, nơi cất giữ những cổ vật này. “Em rất bất ngờ và tự hào bởi ngay trên quê hương mình, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của người Việt cổ. Như vậy, Kinh Môn quê em chính là một trong những nơi gốc gác của người Việt cổ”, em Dương Vũ Thu Trang nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy cho biết, khi chưa có môn giáo dục địa phương, nhà trường đã lồng ghép các nội dung tìm hiểu về các cổ vật, các trận chiến gắn liền với di tích, hang động vào bộ môn lịch sử; quá trình hình thành, đặc điểm địa hình, địa chất của núi đá vôi Nhẫm Dương vào môn địa lý... “Từ khi có môn giáo dục địa phương, các em càng có điều kiện tìm hiểu sâu kỹ hơn. Không chỉ trang bị thêm kiến thức, các giờ học còn bồi đắp cho các em tình yêu, ý thức gìn giữ và bảo tồn các di tích”, cô Thúy nói.

Theo bà Mạc Thị Huyền, để phát huy các giá trị của hệ thống hang động và di tích, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn đã xây dựng kịch bản thuyết minh riêng cho mỗi điểm di tích, hang động trên địa bàn. Tuy nhiên, trong các bài thuyết minh, vẫn cần tạo ấn tượng mạnh, thu hút khách du lịch bằng cách xây dựng những câu chuyện thú vị gắn với mỗi điểm đến. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng chuyên nghiệp hóa sẽ góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp của di tích đến với du khách.

Cô và trò lớp 8A, Trường THCS Duy Tân (Kinh Môn) trong giờ học giáo dục địa phương

Cô và trò lớp 8A, Trường THCS Duy Tân (Kinh Môn) trong giờ học giáo dục địa phương

“Chúng tôi sẽ tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối các điểm du lịch này với các điểm đến khác của tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận… để khai thác tốt hơn tiềm năng về du lịch tại địa phương”, bà Huyền cho biết thêm.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đang chờ được Chính phủ phê duyệt. Với tổng diện tích 11.340 ha, các vùng di tích An Phụ, Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, hang Chùa Mộ, Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít được khoanh vùng bảo vệ sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị hệ thống hang động nói trên.

Theo ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương, năm 1989, Ban Thông sử (UBND tỉnh Hải Dương) và Bảo tàng tỉnh tổ chức khảo sát thực tế, phát hiện hơn 50 hang động ở thị xã Kinh Môn. Tuy nhiên, do tác động của tự nhiên và nạn khai thác đá, hiện thị xã Kinh Môn chỉ còn một nửa số hang động. Trong đó, 7 hang động nằm trong các di tích được xếp hạng.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/doc-dao-he-thong-hang-dong-kinh-mon-411075.html
Zalo