Doanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Hương Quê Foods: 'Kinh doanh đồ chay là tùy duyên, chứ không tùy tiện'
Từng là lãnh đạo trong mảng bán lẻ của Thế giới Di động, rồi điều hành doanh nghiệp thực phẩm, Nguyễn Lê Quốc Tuấn quyết định rẽ sang hướng mới, thành lập Hương Quê Foods, chuyên sản xuất và kinh doanh đồ thuần chay, với mong muốn xây dựng một doanh nghiệp được khách hàng quay lại vì tin, vì hiểu và vì cảm thấy khỏe mạnh khi sử dụng sản phẩm.

Doanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Hương Quê Foods.
Từ “Tuấn phụ kiện” đến “Tuấn bán đồ chay”
Sau nhiều năm ngắt liên lạc, mới đây, tôi có dịp gặp lại Nguyễn Lê Quốc Tuấn. Anh không còn là CEO của Sông Hương Foods, mà đã thành lập một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đồ chay, với thương hiệu Hương Quê Foods. Chàng trai 8x gốc Huế ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Nhớ lại gần 20 năm trước, năm 2007, Tuấn bắt đầu làm việc tại Thế giới Di động, khi công ty này chỉ có 3 cửa hàng. Lúc đó, ước mơ của cậu sinh viên mới tốt nghiệp đại học chỉ đơn giản là được làm việc, có thu nhập ổn định.
Trải qua hơn 10 năm gắn bó với Thế giới Di động, từ một nhân viên, Tuấn lần lượt kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của doanh nghiệp, như Giám đốc ngành hàng phụ kiện (từng được đặt biệt danh là “Tuấn phụ kiện”), Phó giám đốc kinh doanh, Giám đốc mua hàng của chuỗi Bách Hóa Xanh.
Ước mơ của tôi không phải là có nhiều tiền, mà là giúp người khác ăn uống khỏe mạnh, sống hạnh phúc.
- Doanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn
Tương lai đang rộng mở, năm 2018, Tuấn đột ngột quyết định dừng lại, quay về phụ gia đình điều hành Sông Hương Foods - doanh nghiệp chuyên về thực phẩm, đã tồn tại hơn 2 thập niên và có chỗ đứng trên thị trường.
Trước đó, Sông Hương Foods chủ yếu phát triển dòng sản phẩm nước mắm. Sau khi tiếp quản, Tuấn phát triển thêm các dòng sản phẩm bánh nậm, bánh lọc; cà pháo; ớt xay…, tiến hành xây dựng các nhà máy để sản xuất sản phẩm.
Dấu ấn đậm nét là giai đoạn 2021 - 2022, khi đại dịch Covid-19 “hoành hành”, Sông Hương Foods dưới sự điều hành của CEO Nguyễn Lê Quốc Tuấn vẫn đều đặn xuất khẩu sản phẩm tới nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có cả Mỹ. Doanh số năm 2022 của Sông Hương Foods đạt 260.000 USD. Thời gian tiếp theo, Công ty tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Nhưng một lần nữa, Tuấn lại bất ngờ rẽ lối. Giữa lúc Sông Hương Foods đang phát triển mạnh, anh thành lập doanh nghiệp mới để… làm lại từ đầu. Tuấn kể, quyết định này bắt nguồn từ nghịch lý khiến anh trăn trở trong một thời gian dài: mình ăn chay trường 16 năm, nhưng lại bán đồ mặn.
“Tôi chia sẻ những suy nghĩ này với nhân viên, mọi người đồng hành cùng tôi ăn chay mỗi tháng hai ngày, song tôi vẫn không ngừng nghĩ về điều đó”, Tuấn bộc bạch.
Vậy là, năm 2024, Tuấn rời công ty của gia đình để khởi nghiệp với Hương Quê Foods, sản xuất và kinh doanh đồ thuần chay. Ở công ty mới, Tuấn may mắn có những người bạn đồng hành, một số bạn ăn chay trường, một số bạn ăn chay 10 ngày trong một tháng.
“Quan điểm của tôi là, nếu không ăn, thì đừng bán. Làm đồ ăn, thì phải ăn, rồi mới bán, chứ không chỉ làm để kiếm lời. Chỉ khi mình ăn, mình mới biết sản phẩm đó tốt cho sức khỏe ra sao. Tôi luôn nhấn mạnh với nhân viên của mình, làm thực phẩm là làm cho chính mình ăn. Khi nhân viên hiểu được điều đó, thái độ sản xuất sẽ thay đổi. Khi đã tin vào giá trị mình làm ra, việc bán hàng trở thành một sứ mệnh”, Tuấn chia sẻ đầy tâm huyết.
Hương Quê Foods được Tuấn gây dựng và phát triển dựa trên 5 giá trị cốt lõi, gồm chân thành, ăn chay, giúp đỡ, ngăn nắp và làm việc thiện mỗi ngày.
“Tôi không có khát vọng giàu có như người khác. Ước mơ của tôi không phải là có nhiều tiền, mà là giúp người khác ăn uống khỏe mạnh, sống hạnh phúc. Làm đồ chay mà chỉ chạy theo lợi nhuận, thì sớm muộn cũng trở thành một phiên bản giả đi cạnh tranh với thị trường, mà cái giá của sự giả dối trong ngành thực phẩm luôn rất đắt”, Tuấn nói.
Anh thừa nhận, điều may mắn nhất của mình khi lập nghiệp kinh doanh là kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm điều hành công ty của gia đình. Bên cạnh đó, Sông Hương Foods chuyên xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ, Australia, nên cũng giúp việc bán đồ chay của anh thuận lợi hơn. “Tôi ăn chay trường, bán thực phẩm sạch. Nhiều người mua sản phẩm của Hương Quê Foods vì họ tin vào con người tôi hơn là vì sản phẩm”, CEO Hương Quê Foods chia sẻ.
Theo Tuấn, thị trường đồ chay ở Việt Nam còn nhỏ. Đơn cử, trong các siêu thị, chưa có gian hàng dành riêng cho đồ chay. Không gian riêng cho người ăn chay gần như chưa tồn tại...
“Tôi sẽ không giấu bí quyết, trái lại, tôi cho rằng, phải chia sẻ để nhiều người cùng làm, thế giới cùng làm. Như vậy, đồ chay sẽ không còn là thị trường ngách, mà trở thành thị trường lớn thực sự. Khi đó, dù cạnh tranh khốc liệt, tôi vẫn không ngại”, Tuấn quả quyết.
Với anh, kinh doanh đồ chay là tùy duyên, chứ không tùy tiện. Anh ví dụ, khi Hương Quê Foods phát triển sản phẩm sốt rim, công thức gốc có tỏi, ăn rất ngon. Nhưng anh tu theo Tịnh Độ, không ăn tỏi. Nếu chính mình không ăn, mà lại bán, thì không gọi là nói thật nữa. Anh quyết tâm phải làm bằng được sốt rim không tỏi, mà vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon. Cũng có những món, Hương Quê Foods buộc phải từ bỏ, như bánh tráng trộn. Món này bán rất chạy, nhưng bắt buộc phải có tỏi mới ngon và đúng vị. Công ty thử nhiều cách chế biến không dùng tỏi, song không đạt được chất lượng như ý, nên quyết định không làm...
Về mục tiêu doanh thu, Hương Quê Foods có quy định rõ ràng, nhưng không gây áp lực cho nhân viên. Mỗi tháng, nhân viên chỉ cần báo cáo 2 chỉ số: bao nhiêu khách hàng quay lại và doanh số tăng bao nhiêu phần trăm so với tháng trước.
Tuấn nói, Hương Quê Foods không cần nhân viên phải gồng mình bán hàng để đạt doanh thu 20 triệu đồng hay 30 triệu đồng mỗi ngày. Anh cũng không mơ Hương Quê Foods phải đạt được doanh thu 10 tỷ đồng hay 20 tỷ đồng. Anh muốn, Hương Quê Foods luôn được khách hàng quay lại vì tin, vì hiểu và vì cảm thấy khỏe mạnh khi sử dụng sản phẩm của Công ty.
“Điều khó nhất khi làm thực phẩm chay là thuyết phục 98% người ăn mặn thử một sản phẩm thuần chay và thấy ngon. Tôi muốn chạm được vào số đông những người chưa nghĩ đến ăn chay, nhưng sẵn sàng thử trải nghiệm. Doanh nghiệp cứ đi từng bước, tích tiểu thành đại”, doanh nhân Nguyễn Lê Quốc Tuấn đúc kết.
Chọn “gieo một hạt giống”
Hương Quê Foods thành lập tháng 6/2024. Năm đầu tiên, doanh thu của Công ty đạt khoảng 7 tỷ đồng/tháng. Trong đó, doanh thu từ kênh bán hàng online đạt khoảng 3 tỷ đồng/tháng; xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ đồng/tháng, nhưng chi phí vận hành nhà máy, nhân sự không hề nhỏ, tháng nào cũng phải bù lỗ.
Tuấn kể: “Phải bỏ tiền, bỏ công sức, mệt hơn cả đi làm thuê, mà vẫn lỗ, tôi cũng tự hỏi, mình có nên tiếp tục. Nhưng ngay lập tức, tôi quay về với sứ mệnh mà mình đã đặt ra và như được tiếp thêm động lực. Tôi không kinh doanh với một cái cây đã lớn, tôi chọn gieo một hạt giống. Khi bạn trồng cây từ hạt, bạn biết nó là giống gì, bạn chăm nó mỗi ngày, bạn hiểu sự phát triển của nó. Sau này, khi nó thành cây lớn, bạn sẽ tự hào”.
Sau những ngày nỗ lực, Hương Quê Foods bắt đầu có lãi. Công ty hiện có hơn 100 nhân sự, một kênh bán hàng và 3 nhà máy, gồm Hương Quê Hậu Giang, Hương Quê Tây Ninh, Hương Quê TP.HCM; trong đó, 2 nhà máy Hương Quê Foods kết hợp để làm sản phẩm dành riêng cho TiPiKay Shop.
Về quy mô, nếu so với các doanh nghiệp thực phẩm thông thường, Tuấn cho rằng, Hương Quê Foods có quy mô vừa, nhưng nếu chỉ tính trong mảng sản xuất thực phẩm thuần chay, thì có thể gọi là lớn. Doanh nghiệp có gần 48 sản phẩm xuất khẩu, hơn 24 sản phẩm đồ khô và 16 sản phẩm đông lạnh bán trên các sàn thương mại điện tử. Tổng cộng, Hương Quê Foods có hơn 400 sản phẩm, được chia thành 4 nhóm: gia vị, món ăn chính, món ăn vặt và nhóm đông lạnh.
Sản phẩm của Hương Quê Foods đang được xuất đi Mỹ, Australia theo container và xuất đi Nhật Bản, Đức theo diện ghép container. Thời gian tới, Công ty sẽ xúc tiến đưa sản phẩm sang Canada, Singapore… Còn tại thị trường trong nước, Hương Quê Foods bán qua kênh online.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song Tuấn tin rằng, nếu kinh doanh bằng cái tâm và không ngừng nỗ lực, thì sẽ vươn đến thành công. Việc đưa món ăn chay Việt Nam ra thế giới là một hành trình dài, song điều anh luôn tâm đắc và lấy đó làm động lực để tiếp tục phấn đấu là “giúp những người xa xứ vẫn thưởng thức được hương vị chay của quê hương”.