Doanh nghiệp Việt ngày càng chú trọng đầu tư cho chuyển đổi số
Doanh nghiệp Việt đang chuyển đổi số trong toàn chuỗi cung ứng, nhận định này vừa được nêu lên tại họp báo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Sáng 12/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Đây là giải thưởng duy nhất về chất lượng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xét tặng hằng năm.
Giải thưởng được xét tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam hiện cũng nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Bộ KH&CN) cho biết, mức độ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một thành phần trong bộ tiêu chí về đo lường, phân tích và quản lý tri thức của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
“Nếu như trước kia là ứng dụng công nghệ thông tin thì giờ đây doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động của chuỗi cung ứng”, ông Phùng Mạnh Trường nói.
Theo Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam trước kia thường chú trọng vào thị trường, sản phẩm, khách hàng, ít chú trọng về ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây thực tế này đã thay đổi hoàn toàn.
“Doanh nghiệp Việt hiện rất chú trọng việc đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm quản trị chất lượng trong hoạt động quản lý. Khi chúng tôi tiếp cận, các doanh nghiệp có những ứng dụng công nghệ như vậy được đánh giá rất cao”, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ.
Theo Bộ KH&CN, trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 quyết định về việc trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với tổng cộng 133 tổ chức, doanh nghiệp được trao tặng. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 18/12 tại Hà Nội.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Lê Xuân Định giao nhiệm vụ cho Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, cơ quan thường trực của Giải thưởng cần định hướng, giúp các doanh nghiệp phát hiện ra các điểm cần cải thiện, từ đó làm cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ tìm cách lan tỏa những kinh nghiệm và thành công để cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.