Doanh nghiệp Việt: Khởi sắc nhưng chưa hết áp lực
6 tháng đầu năm 2025, bức tranh doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất hiện những gam màu sáng khi số lượng thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng mạnh, cho thấy niềm tin đang dần hồi phục. Thế nhưng, phía sau những con số tích cực ấy, áp lực về chi phí, thủ tục và môi trường kinh doanh vẫn hiện hữu, khiến không ít DN phải chọn cách co cụm để tồn tại thay vì mở rộng phát triển.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), tháng 6/2025 chứng kiến con số kỷ lục với 24.422 DN thành lập mới, gấp hơn hai lần so với mức trung bình giai đoạn 2021 - 2024. Tính chung 6 tháng, cả nước có 91.186 DN mới ra đời, cho thấy làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, trong tháng 6, có tới 14.390 DN quay trở lại hoạt động, tăng 91% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đạt 61.521 DN, tăng 57% so với năm trước.
Đáng chú ý, lần đầu tiên tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường vượt số DN rút lui. Đây được xem là tín hiệu rõ rệt cho thấy môi trường kinh doanh đang dần cải thiện và niềm tin của cộng đồng DN phần nào được khôi phục, đặc biệt sau khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đi vào thực tiễn. Không chỉ DN mà khu vực hộ kinh doanh cá thể cũng chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng 118,4% so với cùng kỳ và gấp 2,4 lần mức trung bình kể từ tháng 7/2023. Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh đang lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong giới DN mà trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực này chưa đủ khỏa lấp những thách thức lớn mà khu vực DN đang đối mặt. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, đã có hơn 113.000 DN rút lui khỏi thị trường, bao gồm cả tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc chờ giải thể, vượt cả số DN thành lập mới. Đây là con số không thể xem nhẹ, phản ánh rõ sự khó khăn, tâm lý phòng thủ và thiếu kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của khu vực tư nhân.
Đáng lo ngại hơn, quy mô vốn và lao động bình quân của các DN mới tiếp tục xu hướng giảm, cho thấy mô hình DN nhỏ, siêu nhỏ và hoạt động cầm chừng đang ngày càng phổ biến. Thực trạng này không chỉ phản ánh những khó khăn ngắn hạn mà còn đặt ra dấu hỏi về chất lượng phát triển của khu vực DN tư nhân trong dài hạn.
Nguyên nhân sâu xa đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng. Một mặt, sức cầu của thị trường chưa phục hồi ổn định; mặt khác, chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng trong khi môi trường pháp lý vẫn tồn tại nhiều rào cản. Mặc dù cải thiện môi trường đầu tư là nội dung được nhấn mạnh trong nhiều tuyên bố chính sách, song thực tế ở cấp thực thi vẫn còn những vướng mắc từ thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhất quán giữa các cấp điều hành đến độ trễ trong triển khai chính sách.
Chính sự thiếu nhất quán và độ trễ này khiến DN khó hoạch định chiến lược dài hạn, buộc nhiều DN phải ưu tiên duy trì tồn tại thay vì mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Việc hàng chục nghìn DN rút lui khỏi thị trường không chỉ là mất mát về số lượng, mà còn làm suy giảm năng lực tích lũy vốn, hiệu quả tạo việc làm và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.
Có thể nói, dù khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực quan trọng nhất theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, song trên thực tế, không ít DN vẫn đang trong trạng thái co cụm, giảm tốc. Điều này không chỉ bắt nguồn từ những biến động bất ổn của kinh tế thế giới hay cầu tiêu dùng trong nước chưa phục hồi hoàn toàn, mà còn là hệ quả của áp lực chi phí, sự phức tạp của thủ tục hành chính và những rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ dứt điểm.
Trong bối cảnh đó, việc khôi phục niềm tin của cộng đồng DN cần được xác định là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách. Niềm tin ấy không thể chỉ đến từ những tuyên bố hay mục tiêu trên giấy, mà phải được củng cố bằng những cải cách thực chất, cụ thể và nhất quán. Tháo gỡ rào cản pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch và kỷ luật trong thực thi chính sách chính là nền tảng để tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định, có thể dự báo và đủ hấp dẫn để DN yên tâm đầu tư, phát triển.