Doanh nghiệp Nhà nước trước thời cơ cải cách: Tự chủ hơn - dẫn dắt mạnh mẽ hơn

Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Một cánh cửa cải cách thể chế quan trọng sẽ được mở ra - với kỳ vọng giải phóng năng lực nội sinh, tăng quyền tự chủ và thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động hiệu quả, minh bạch và cạnh tranh hơn.

“Cú huých” mạnh cho quyền tự chủ và hiệu quả

Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sửa đổi năm 2025 là một bước tiến thể chế quan trọng, khi lần đầu tiên trao quyền quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng, thù lao cho người lao động và cán bộ quản lý cho chính DNNN - trên cơ sở quỹ lương được giao. Đây là sự thay đổi mang tính nền tảng, góp phần xóa bỏ tình trạng cào bằng, chậm thích ứng với thị trường trong cơ chế đãi ngộ nhân sự tại DNNN lâu nay. Cùng với đó, việc cho phép doanh nghiệp trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển và tối đa 3 tháng lương cho Quỹ khen thưởng - phúc lợi, cũng tạo thêm dư địa tái đầu tư, cải thiện năng suất lao động và khuyến khích người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc gỡ bỏ giới hạn trong đầu tư bất động sản đã mở ra cơ hội để DNNN cạnh tranh bình đẳng hơn với khu vực tư nhân - trong bối cảnh nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện đang sở hữu các khu đất có vị trí thuận lợi, song chưa thể khai thác hiệu quả vì các rào cản thể chế. Việc cho phép doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước được vay vốn cho công ty con theo quy định riêng cũng góp phần tăng tính linh hoạt tài chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn công.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long. (Ảnh: TG)

Một quan điểm xuyên suốt trong tư duy chính sách gần đây đó là: Cải cách thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân không đồng nghĩa với việc thu hẹp vai trò của DNNN. Trên thực tế, sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế, thì các chính sách mới cũng cho thấy Nhà nước vẫn xác định DNNN là “công cụ vật chất” để định hướng, điều tiết nền kinh tế trong những lĩnh vực thiết yếu, ít hấp dẫn với tư nhân hoặc gắn liền với mục tiêu chiến lược quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, có thể nói: “Nhà nước đã mở hết cỡ về thể chế” cho DNNN, trong đó ngoài luật mới về quản lý vốn, các luật về đầu tư, đấu thầu, thuế cũng đang được sửa đổi nhằm đồng bộ thể chế và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thể chế dù mở thì hiệu quả vẫn phụ thuộc vào nội lực và tư duy quản trị. Bởi vậy, đòi hỏi đặt ra là các DNNN phải chủ động chuyển mình, đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thiết lập bộ máy quản trị minh bạch, có trách nhiệm giải trình, hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho việc trao quyền và phát huy hiệu quả DNNN là mô hình của Tổng Công ty Becamex (Bình Dương). Đây là DNNN điển hình trong việc tận dụng cơ chế linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và tư nhân để phát triển thành công các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ - logistics, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế vùng. Tại TP Hồ Chí Minh, sau sáp nhập địa giới hành chính, chính quyền thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các DNNN nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Đây là thông điệp rõ ràng rằng: Trong giai đoạn mới, các DNNN không chỉ tồn tại để bảo toàn vốn hay duy trì hoạt động, mà phải “ra sân” cùng với tư nhân, trở thành lực lượng chủ công trong các chiến lược phát triển kinh tế đô thị, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và tuần hoàn.

DNNN trong vai trò mới - tiên phong và bền vững

Một yêu cầu cốt lõi trong cải cách DNNN là phải tách bạch rõ ràng giữa vai trò Nhà nước với tư cách là “nhà đầu tư vốn” và vai trò của doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường. Đây cũng là nguyên tắc được khẳng định trong Luật năm 2025: Nhà nước không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, chỉ giám sát phần vốn góp, giao quyền cho doanh nghiệp chủ động, tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”. Ví dụ, việc chậm cổ phần hóa hay thoái vốn tại một số tập đoàn Nhà nước chủ yếu do tâm lý e ngại trách nhiệm hoặc thiếu đồng bộ thể chế. Trong khi đó, mô hình hội đồng quản trị tại nhiều DNNN vẫn chưa phát huy đúng vai trò chiến lược, còn lệ thuộc quá nhiều vào bộ chủ quản hoặc chưa chuyên nghiệp hóa. Muốn khắc phục tình trạng này, cần tiếp tục cải cách mô hình quản trị DNNN theo chuẩn mực OECD, thiết lập cơ chế đánh giá hiệu quả trên cơ sở thị trường và kết quả đầu ra (outcome), thay vì chỉ dựa vào các chỉ tiêu kế hoạch hành chính.

Trong thời đại chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và cạnh tranh chuỗi giá trị toàn cầu, DNNN không thể duy trì vai trò truyền thống là “làm thay Nhà nước”. Thay vào đó, DNNN cần vươn lên đóng vai trò dẫn dắt trong những lĩnh vực mới như: Phát triển công nghệ lõi, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, logistic thông minh, hạ tầng số… Đặc biệt, với những DNNN lớn như EVN, PetroVietnam, Viettel, Vinatex, Vinachem... việc tiên phong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cơ sở để tạo ra các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khơi thông dòng vốn tư nhân và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng.

Bên cạnh đó, DNNN cũng có trách nhiệm xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia.

Luật mới về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ hội để khối DNNN chuyển mình một cách thực chất, từ “doanh nghiệp của Nhà nước” thành “doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích quốc gia”. Thể chế đã mở - trách nhiệm chuyển mình thuộc về DNNN. Khi thể chế đã “mở hết cỡ”, trách nhiệm đổi mới mô hình quản trị, nâng cao năng suất, tăng tính minh bạch và năng lực cạnh tranh thuộc về chính doanh nghiệp và người đứng đầu.

Muốn vậy, cần một hệ sinh thái đồng bộ: Từ chính sách thu hút nhân tài, cơ chế phân quyền thực chất, đánh giá hiệu quả dựa vào kết quả đầu ra, đến trách nhiệm giải trình và xử lý sai phạm rõ ràng. Có như vậy, DNNN mới thực sự phát huy được vai trò “dẫn dắt” như kỳ vọng - không chỉ về mặt thị phần hay tài sản, mà còn trong vai trò kiến tạo, định hướng và dẫn lối cho các khu vực kinh tế khác phát triển lành mạnh, bền vững và hiệu quả.

Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 2025 là cơ hội để khối DNNN chuyển mình một cách thực chất, từ “doanh nghiệp của Nhà nước” thành “doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích quốc gia”.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-truoc-thoi-co-cai-cach-tu-chu-hon-dan-dat-manh-me-hon.html
Zalo