Doanh nghiệp ngành vật liệu 'lấn sân' đầu tư bất động sản

Khi những nút thắt dần được tháo gỡ, mức độ quan tâm đến bất động sản tăng lên, thị trường địa ốc có thêm nhiều tân binh nhập cuộc.

Chợ địa ốc đón thêm tân binh

Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố của Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã: GDA) thể hiện, doanh nghiệp này đang có kế hoạch lấn sân sang mảng địa ốc, nông nghiệp. Để triển khai kế hoạch này, Tôn Đông Á dự định sẽ góp vốn trực tiếp, giao công ty con góp vốn đầu tư hoặc thành lập công ty mới.

Đây không phải lần đầu tiên Tôn Đông Á bỏ tiền vào bất động sản. Trước đó, năm 2023, Tôn Đông Á đã giao công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung, thông qua việc mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung - chủ đầu tư Dự án nhà ở Khu đô thị SBC miền Trung, diện tích hơn 5,5 ha.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (mã: VGS) cũng đầu tư vào Dự án Khu đô thị Việt Đức Legend City tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Ống thép Việt Đức VG PIPE cho thấy, đến ngày 31/3/2024, Công ty đã đầu tư 704 tỷ đồng vào Dự án Việt Đức Legend City. Ngoài ra, Công ty cũng đang đầu tư xây dựng hạ tầng lô đất CC4, Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), với diện tích 4.248 m2.

Tương tự, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (ACG) cũng muốn làm khu đô thị hơn 9.000 tỷ đồng ở tỉnh Long An. Dự án có tên Khu đô thị Bình An Đức Hòa, tọa lạc tại xã Đức Hòa, chi phí sơ bộ khoảng 8.814 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 477 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư dự kiến cho Dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa khoảng 9.290 tỷ đồng.

Cũng được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành có kế hoạch lấn sân lĩnh vực bất động sản. Để thực hiện kế hoạch này, Gỗ Đức Thành sẽ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhà máy 6 tại phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với giá trị 138 tỷ đồng.

“Việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định, mà còn có khả năng sinh lời cao khi chuyển nhượng trong tương lai”, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành nói.

Đón đầu sự phục hồi

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho biết, có nhiều nguyên do khiến các doanh nghiệp “ngoại đạo” lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Đầu tiên, có thể kể đến là triết lý đầu tư của Warren Buffett: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”. Trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản cần vốn đã phải lựa chọn cách bán bớt tài sản để tái cơ cấu sản phẩm, tập trung nguồn lực vào những sản phẩm thế mạnh của riêng mình. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội dành cho những doanh nghiệp có sẵn nguồn tiền và muốn tham gia vào bất động sản.

Tiếp đến là vấn đề nội tại. Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, khi phát triển tới một ngưỡng nhất định, mà muốn vượt lên tầm cao mới thì phải đầu tư rất lớn. Từ việc đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực đến cấu trúc bộ máy, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm… Theo đó, một số doanh nghiệp chọn cách rẽ hướng sang lĩnh vực khác để kiếm lời.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp đang đôn đáo rót tiền vào bất động sản là để đón đầu cơ hội mới, khi 3 luật điều chỉnh lĩnh vực bất động sản gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8/2024, thay vì ngày 1/1/2025).

Việc các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm được xem là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay. Các khó khăn mấu chốt của thị trường bất động sản liên quan tới pháp lý dự án và nguồn vốn kỳ vọng sớm được tháo gỡ, giúp gia tăng nguồn cung sản phẩm cũng như khơi thông dòng vốn.

“Các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Dưới góc độ là doanh nghiệp trong ngành, bà Dương Thanh Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy chia sẻ, pháp lý không phải là vấn đề là duy nhất đối với doanh nghiệp bất động sản. Việc các chính sách đang được dần hoàn thiện là một tín hiệu tích cực, song vẫn cần sự tự lực của các doanh nghiệp.

Theo bà Thủy, để thị trường bất động sản có gam màu hồng, mỗi doanh nghiệp cần làm đúng chức năng của mình. Phải bình tĩnh nhìn lại để chọn giải pháp vượt khó, chứ đừng làm bất ổn thêm cho thị trường.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/doanh-nghiep-nganh-vat-lieu-lan-san-dau-tu-bat-dong-san-d217948.html
Zalo