Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi nhưng vẫn dè chừng

Dù nửa đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng doanh nghiệp vẫn thận trọng khi bước vào 6 tháng cuối năm, trong bối cảnh chi phí tăng, áp lực chuyển đổi và biến động kinh tế toàn cầu.

Sau nửa đầu năm 2025 với nhiều tín hiệu phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bước vào 6 tháng cuối năm trong tâm thế vừa kỳ vọng, vừa dè chừng.

Chia sẻ tại webinar "Dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm 2025 - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tư nhân (Bộ Tài chính) Trịnh Thị Hương cho rằng nửa đầu năm nay đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, với hơn 24.000 doanh nghiệp được đăng ký, phản ánh làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ. Cùng với đó, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường cũng tăng, trong khi tổng vốn bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 1,4 triệu tỉ đồng – cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh doanh.

Số hộ kinh doanh mới cũng tăng hơn 118% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tác động từ các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp tăng tốc nhưng vẫn thận trọng trước 6 tháng cuối năm. Ảnh minh họa: H. Lê

Doanh nghiệp tăng tốc nhưng vẫn thận trọng trước 6 tháng cuối năm. Ảnh minh họa: H. Lê

Tuy nhiên, bà Hương lưu ý quy mô của các doanh nghiệp mới thành lập phần lớn còn nhỏ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, dù hơn 63% trong số đó chỉ tạm ngừng hoạt động có thời hạn để tái cấu trúc, chờ thị trường khả quan hơn.

Bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động, chính sách thuế thay đổi, thương mại điện tử phát triển nhanh và hành vi tiêu dùng biến chuyển đang khiến doanh nghiệp phải thích nghi liên tục. Theo bà, để nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp cần đầu tư vào nội lực – từ công nghệ, quản trị đến tối ưu vận hành.

Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Bùi Thanh Minh đã có những đánh giá về nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo ông, dù các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng vẫn còn khoảng cách trong khả năng tiếp cận.

Các doanh nghiệp lớn tỏ ra “phấn khởi và mạnh mẽ hơn” khi mở rộng kinh doanh, còn các SMEs đang chịu áp lực chi phí từ thuế, cạnh tranh khốc liệt trên nền tảng số, và chưa đủ lực để chuyển đổi số hoặc chuyển đổi xanh, trong khi tín dụng vẫn là rào cản lớn.

Một khảo sát mới đây của ban này, trên hơn 1.500 doanh nghiệp cho thấy mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay đã giảm so với năm ngoái.

Có tới 63,7% doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng trước tình hình hiện tại. Các lĩnh vực như xây dựng phục hồi nhờ bất động sản và đầu tư công khởi sắc nhưng nhiều ngành chủ lực như chế biến - chế tạo lại ghi nhận xu hướng thu hẹp sản xuất. Ngay cả ngành thủy sản – từng là điểm sáng xuất khẩu – cũng đang mất dần sự tự tin.

Khảo sát cũng cho thấy, Hà Nội và TPHCM dù là đầu tàu tăng trưởng, niềm tin kinh doanh lại thấp hơn mức trung bình và các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh. Điều này cho thấy cả các khu vực năng động nhất cũng không nằm ngoài các thách thức chung.

Dù còn nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng 6 tháng cuối năm. Một kết quả điều tra mới đây của Cục Thống kê cho thấy, trong quí 3, 37,3% doanh nghiệp chế biến chế tạo dự báo tình hình sẽ cải thiện, 43,5% cho rằng sẽ ổn định.

Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 81% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn hoặc giữ ổn định, con số này ở doanh nghiệp ngoài nhà nước và nhà nước lần lượt là 80,7% và 79,8%.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất vẫn chịu áp lực từ giá năng lượng, chính sách thương mại và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, yêu cầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-ky-vong-phuc-hoi-nhung-van-de-chung/
Zalo