Doanh nghiệp dõi theo từng biến động thị trường Mỹ

Năm 2024 đang dần khép lại với kết quả xuất khẩu tích cực cho hầu hết các nhóm ngành. Tuy nhiên khi chuẩn bị tâm thế cho 2025, điều DN quan tâm nhất chính là những thay đổi có thể xảy đến ở Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế 10% sẽ làm giá tiêu dùng tại Mỹ tăng, người dân sẽ giảm thiểu mua sắm, dẫn đến doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ giảm.

Nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế 10% sẽ làm giá tiêu dùng tại Mỹ tăng, người dân sẽ giảm thiểu mua sắm, dẫn đến doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ giảm.

Tâm thế cho 2025

Với vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên bất cứ thay đổi nào của thị trường Mỹ cũng trở thành mối quan tâm đặc biệt của các hiệp hội, ngành hàng và nhất là các DN. Việc ông Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, đang là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất.

Tại buổi tọa đàm giữa các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo hiệp hội, DN phía Nam diễn ra hôm 14-11, ông Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), nguyên Tham tán, trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC đã có những chia sẻ (dưới góc nhìn cá nhân), dự báo chính sách thương mại của tân Tổng thống Donald Trump cũng như những dự báo chính sách cho Việt Nam.

Đó là để hiểu rõ chính sách thương mại của ông Donald Trump, thì phải hiểu rõ ông ấy quan niệm như thế nào về nước Mỹ. Ông Trump cho rằng nước Mỹ đã qua thời kỳ huy hoàng, và ông ấy muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Có nghĩa là về thương mại, ông Trump sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết, tức đặt lợi ích của người dân và sản xuất của Mỹ lên trên. Ông Donald Trump cho rằng, thương mại tự do gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Tất nhiên, quan điểm của ông Trump không phải hạn chế thương mại mà thúc đẩy thương mại công bằng, tạo thêm việc làm cho nước Mỹ, giúp đưa sản xuất về Mỹ, giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Giảm thâm hụt thương mại không có nghĩa là các nước ngừng không xuất hàng vào Mỹ, mà Mỹ phải xuất hàng sang các nước. Đây là điểm rất quan trọng. Các công cụ thúc đẩy thương mại có thể sẽ là đánh thuế nhập khẩu, cấm vận, kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt các nước thao túng tiền tệ hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ.

Biện pháp mà các DN gặp nhiều nhất là chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC). Mỹ là nước áp dụng các biện pháp CBPG, CTC nhiều nhất trên thế giới. Biện pháp thứ hai là áp thuế cho điều tra 301. Điều đặc biệt của 301 đó là việc áp thuế không chỉ với một ngành hàng, sản phẩm mà sẽ áp thuế toàn bộ sản phẩm mà Mỹ nhập từ nước đó…

Hiện nay Mỹ có nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam nhất (tính trên tổng số vụ kiện của các nước mà Việt Nam phải đối mặt). Ngoài những mặt hàng như gỗ, thép, tôm cá, thì Mỹ còn kiện phòng vệ với những mặt hàng rất ít nghe như dập ghim, bìa hồ sơ…

“Cá nhân tôi cho rằng, tổng thống Donald Trump phần nào có thiện cảm với Việt Nam, bằng chứng là trong nhiệm kỳ trước ông đã từng đến Việt Nam hai lần. Song về thương mại, chính sách của ông Trump với Việt Nam khá cứng rắn. Không dễ để dự đoán các biện pháp thương mại mà chính quyền ông Donald Trump sẽ thực thi” - ông Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đưa ra một số dự đoán như chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế, tăng cường các biện pháp PVTM, đẩy cao các đạo luật như quy định nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam có thể bị cáo buộc là trung gian hỗ trợ các nước thứ 3 đưa hàng vào Mỹ, hoặc bị đe dọa đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

DN chuẩn bị gì

Vậy DN Việt Nam nên chuẩn bị gì? Trước câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng DN cần nâng cao nội lực, tuân thủ các quy định của Mỹ. Nếu vướng phải các vụ kiện PVTM, cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra Mỹ, cung cấp thông tin đúng thời hạn.

Đáng chú ý, các DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các DN, hiệp hội Mỹ, vì chính quyền ông Trump bảo vệ lợi ích của DN Mỹ. Ngoài ra cũng cần tăng cường quan hệ với các công ty tư vấn, công ty luật tại Mỹ, vì các công ty này có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách của Mỹ.

Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, chuyên xuất khẩu tôm, nói về một vài góc nhìn của mình khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Theo đó, nếu Tổng thống Donald Trump đánh thuế 10% (trừ hàng Trung Quốc) sẽ làm giá tiêu dùng tại Mỹ tăng, người dân sẽ giảm thiểu mua sắm, dẫn đến doanh số xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ giảm. Tuy nhiên, tôm giá rẻ từ Ecuado sẽ có lợi thế hơn, sẽ giữ vững và tăng trưởng ở thị trường này, nhất là tôm của họ không bị thuế CBPG như tôm các nước khác (Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan).

Dưới góc nhìn toàn ngành hơn, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thì DN Trung Quốc sẽ có xu hướng qua Việt Nam mua xưởng, đầu tư, thuê công nhân Việt Nam sản xuất hàng. Lúc này cần quan tâm đến câu chuyện sau khi Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, thì chuyện gì sẽ xảy ra, doanh số xuất khẩu vào Mỹ có thể tăng thêm, nhưng phía sau đó là gì cần phải lường trước và có kịch bản.

Như đã nói, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và là thị trường chủ lực của rất nhiều nhóm ngành. Nhưng với những dự báo về những thay đổi của chính quyền mới, khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng từ tháng 1-2025, thì câu chuyện mở rộng thị trường, nắm thêm thông tin từ các thị trường xuất khẩu, ngay cả các thị trường quen của các DN lại được bàn tới nhiều hơn. Và điều này được các DN đặt nhiều kỳ vọng vào sự chia sẻ thông tin của các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đó, khi được gửi gắm kiến nghị đến các đại sứ, bà Tô Thị Tường Lan (VASEP) nhấn mạnh đến mấy vấn đề. Thứ nhất, với chính quyền mới của ông Donald Trump khó dự báo điều gì sẽ xảy ra, vì thế rất mong các đại sứ tại thị trường Mỹ có thông tin kỹ hơn, cập nhật nhiều hơn cho DN về thông tin thị trường để biết thị trường đang chuyển động như thế nào. Hay như Trung Quốc, hiện cũng là thị trường lớn của thủy sản, nhưng DN có rất ít thông tin và không có những dự đoán đúng cho thị trường.

Đồng tình với ý kiến này, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, thông tin từ các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là hết sức quan trọng. DN cần được hỗ trợ thông tin nhưng quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là thông tin về những rủi ro có thể xảy ra như rủi ro chính trị, hàng rào kỹ thuật... điều này giúp DN Việt Nam có sự chuẩn bị tốt.

Không dễ dự đoán các biện pháp thương mại mà chính quyền ông Donald Trump sẽ thực thi, như tăng thuế, tăng cường phòng vệ thương mại, bị cáo buộc là trung gian hỗ trợ các nước thứ 3 đưa hàng vào Mỹ, hoặc bị đe dọa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

THANH LÂM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-doi-theo-tung-bien-dong-thi-truong-my-post118463.html
Zalo