Doanh nghiệp cần mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công thương) khuyến nghị, để bù đắp thị phần sụt giảm tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp (DN) cần tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

Bù đắp thị trường sụt giảm, doanh nghiệp cần mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa.
Xuất khẩu 6 tháng qua tăng 14,4%
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương) vừa có Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong tháng 6/2025.
Theo đó, nội dung báo cáo nêu rõ những cơ hội và thách thức đối với phát triển công nghiệp và thương mại của Việt Nam thời gian tới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Về cơ hội, việc các tập đoàn lớn đang đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét giảm mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Những yếu tố này giúp Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện và chế tạo. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp Việt Nam thu hút thêm đầu tư, nâng cao năng lực và mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng do nhu cầu tăng sau những biến động tại Trung Đông.
Còn theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ghi nhận kết quả hết sức khả quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 219,8 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Trung bình mỗi tháng đạt 36,6 tỉ USD; riêng tháng 5 và tháng 6 đều vượt 39,5 tỉ USD. Trong đó, nhóm hàng nông, thủy sản tăng trưởng tích cực, ước đạt mức tăng 16,4%; riêng thủy sản đạt 5,1 tỉ USD, tăng 15,9%.
Các mặt hàng công nghiệp chủ lực tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt, như, dệt may ước đạt 18,7 tỉ USD, tăng 12,3%; giày dép đạt 11,9 tỉ USD, tăng 10,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 47,7 tỉ USD, tăng 39,9%... Doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, với xuất khẩu sang EU tăng 12%, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng trên 10,6%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 27,4%, đạt trên 57 tỷ USD. Thị trường tiềm năng như châu Phi tăng tới 36,5%; riêng Algeria, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal tăng từ 116% đến 200%. Một số mặt hàng mới như đồ chơi, dụng cụ thể thao và linh kiện tăng 103%, đạt 3,3 tỉ USD.
Mở đường cho thị trường mới
Trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tập trung mở rộng thị trường, thông qua việc nghiên cứu, đàm phán và ký kết hợp tác với các thị trường mới, đặc biệt với Hoa Kỳ, theo hướng công bằng và đối ứng; khai thác hiệu quả các thị trường chiến lược và FTA hiện có. Bên cạnh đó, Bộ chủ động theo dõi tình hình thế giới, kịp thời tham mưu chính sách, cảnh báo sớm rủi ro cho DN và ngành hàng.
Đồng quan điểm, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho hay, các DN xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Ông Linh cho biết thêm, Bộ Công thương đang thúc đẩy đàm phán FTA với các nước trong khu vực Mỹ Latin, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông… Gần đây nhất, Tổng thống Brazil thăm Việt Nam và chúng ta đã tranh thủ cơ hội thúc đẩy đàm phán FTA với Khối Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur) thông qua Brazil, bởi đây là quốc gia rất có uy tín trong khối. Trước mắt, hai bên đã lập tổ công tác giữa Việt Nam và Brazil để tìm ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại đôi bên, qua đó thúc đẩy FTA. Sắp tới, Bộ Công thương tiếp tục thúc đẩy FTA với các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và một số nước khác.