Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi ngân hàng siết tỷ lệ cấp tín dụng?

Các doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động chọn lộ trình tiếp cận vốn phù hợp khi ngân hàng không còn được tập trung cho vay một khách hàng. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro chung cho cả thị trường.

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp được khuyến nghị cần chủ động chọn lộ trình tiếp cận vốn phù hợp khi ngân hàng không còn được tập trung cho vay một khách hàng. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro chung cho cả thị trường.

Các quy định mới buộc ngân hàng phải cho vay an toàn hơn, còn doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Ảnh minh họa: L.V.

Các quy định mới buộc ngân hàng phải cho vay an toàn hơn, còn doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Ảnh minh họa: L.V.

Từ ngày 1-7, nhiều quy định mới trong hoạt động ngân hàng bắt đầu có hiệu lực, trong đó có quy định liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, giảm hạn mức cho vay tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan.

Theo đó, luật mới yêu cầu giảm dần hạn mức 15% xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng, và từ 25% xuống 15% với khách hàng và người có liên quan. Ngoài ra, luật cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giới hạn hạn mức tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15%. Các tổ chức sẽ có lộ trình 5 năm để giảm dần những hạn mức này.

Mục tiêu của các quy định mới là nhằm kiểm soát hoạt động cho vay tập trung quá mức của ngân hàng, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng với tình huống cho vay sân sau. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến những lo ngại về việc hạn chế dòng chảy tín dụng ra thị trường.

Trước đó, trong các phiên thảo luận luật sửa đổi tại Quốc hội, cũng có đại biểu đặt vấn đề thị trường hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ ngân hàng, thực tế cũng đã có doanh nghiệp gần như chạm trần giới hạn tại tất cả các ngân hàng quốc doanh.

Đánh giá về quy định mới này từ khi còn thảo luận, các chuyên gia phân tích cho rằng quy định này sẽ phần nào tác động đến mức tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, dù có lộ trình giảm dần nên cũng sẽ “dễ thở” cho các bên. “Quy định này có thể phần nào tác động đến tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn của những ngân hàng có mối quan hệ thân thiết với các chủ đầu tư bất động sản”, báo cáo phân tích của SSI hồi đầu năm bình luận.

Trao đổi với KTSG Online, một lãnh đạo ngân hàng thương mại tư nhân có trụ sở ở Hà Nội, cho biết quy định giới hạn này là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro của việc cho vay tập trung vào một khách hàng vì có dư nợ lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tăng chi phí khi đi vay, do đó phải chủ động tìm cách tiếp cận nguồn vốn theo cách khác.

Với những dự án lớn, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn đồng tài trợ từ nhiều ngân hàng khác nhau. Bản thân các ngân hàng cũng chuộng phương án này vì giảm rủi ro. Tuy nhiên, nếu như trước đó doanh nghiệp chỉ cần làm với một ngân hàng thì nay phải làm việc với nhiều ngân hàng khác nhau, qua nhiều bên thẩm định. “Điều này buộc các doanh nghiệp phải ‘làm thật’ hơn”, vị này bình luận.

Đánh giá tương tự, nhóm phân tích của Công ty tư vấn và kiểm toán PwC cho rằng đối với các doanh nghiệp, thách thức sẽ là độ phức tạp và chi phí khi đi vay vốn sẽ tăng lên, để đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất. Còn với các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược cho vay, cập nhật quy trình quản lý rủi ro tín dụng và cả mối quan hệ với khách hàng.

Tuy nhiên, PwC cũng rằng một ưu điểm là ngân hàng có cơ hội đa dạng hóa danh mục tín dụng, phân tán rủi ro tín dụng trên nhiều đối tượng vay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ cũng được tăng cơ hội để tiếp cận khoản vay với nguồn vốn dôi dư.

Ở góc độ thị trường, vấn đề này có thể được giải quyết khi ngân hàng tăng vốn điều lệ. Hiện rất nhiều ngân hàng đã và đang triển khai kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn khác, bên cạnh khả năng mở rộng tín dụng cho thị trường. Một khi vốn tăng lên, giới hạn tín dụng cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chủ động tham gia vào thị trường vốn, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu nhiều hơn, vì đây mới là nguồn vốn cho các dự án dài hạn. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần nói rằng nguồn vốn từ các ngân hàng hiện phải “gánh” cho tăng trưởng dài hạn quá nhiều, trong khi đây là dòng vốn ngắn hạn.

Thực tế không chỉ giới hạn ở hạn mức cấp tín dụng một khách hàng, các ngân hàng còn phải đảm bảo cả tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đây được xem là thách thức lớn với các nhà băng có quy mô vốn nhỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh các quy định chặt chẽ hơn, các chuyên gia cũng cho rằng cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường hoạt động giám sát, để đảm bảo dòng vốn đến đúng nơi.

“Những cải cách này thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc điều chỉnh ngành lĩnh vực ngân hàng và bất động sản theo các thông lệ quốc tế, đồng thời góp phần vào sự minh bạch, liêm chính và ổn định của các ngành này. Vì vậy, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội để đánh giá tác động của các quy định mới và sử dụng chúng để tạo ra lợi thế cạnh tranh, thay vì cho rằng các quy định chính là rào cản”, báo cáo của PwC đánh giá.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-can-chuan-bi-gi-khi-ngan-hang-siet-ty-le-cap-tin-dung/
Zalo