Doanh nghiệp bao bì Việt 'hụt hơi' trong cuộc chơi xanh và sáng tạo

Trước xu thế chuyển đổi tiêu dùng xanh, áp lực về tài chính và đáng chú ý là thiếu lực lượng kế thừa, các doanh nghiệp đóng gói bao bì và in ấn ngày càng có xu thế 'bán mình', rút khỏi thị trường hoặc nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại.

Xu hướng người tiêu dùng sử dụng bao bì đóng gói thân thiện môi trường. Ảnh: LH

Xu hướng người tiêu dùng sử dụng bao bì đóng gói thân thiện môi trường. Ảnh: LH

Khi bao bì “xanh” ngày càng được quan tâm

Luôn chú trọng tới sức khỏe và môi trường, chị Thu Lan (quận Phú Nhuận, TPHCM) rất cẩn trọng khi lựa chọn đồ gia dụng sản xuất “xanh” hay sản phẩm tiêu dùng được đóng gói bằng bao bì giấy, những vật liệu tái chế, thân thiện môi trường.

Đơn cử trên thị trường mì ăn liền với hàng trăm sản phẩm được đóng gói bằng nhiều vật liệu khác nhau với màu sắc in ấn khá bắt mắt, nhưng chị vẫn trung thành với gói mì 2 con tôm Miliket của Colusa với chất liệu giấy dễ phân hủy. Dù không sử dụng nhiều màu sắc hay phong cách thiết kế hiện đại như những thương hiệu khác nhưng gói mì Miliket vẫn thu hút chị theo một cách riêng về giá trị thân thiện môi trường.

Nhờ có lượng khách hàng quan tâm môi trường như chị Thu Lan, mà bối cảnh thị trường mì gói cạnh tranh khốc liệt nhưng doanh thu Colusa – Miliket năm 2023 cao kỷ lục, đạt 719 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước đó.

Lãnh đạo một doanh nghiệp mì ăn liền vốn FDI (không tiện nêu tên) cho biết, xu thế tiêu dùng thay đổi, công ty cũng vừa đầu tư dây chuyền mới để thay thế dần bao bì sản phẩm và những gói gia vị bằng vật liệu nhựa thành bao bì giấy hoặc những vật liệu dễ phân hủy, tái chế.

Với doanh nghiệp bánh kẹo, Công ty cổ phần Bibica cho biết, đang giảm dần sử dụng bao bì nylon để đóng gói sản phẩm và thay bằng các loại bao bì giấy thân thiện môi trường. Với việc chuyển đổi này cho thấy hiệu quả kinh doanh cao.

Cụ thể theo ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc bán hàng kênh siêu thị của Bibica, bánh bông lan Hura là dòng sản phẩm tiêu biểu của công ty gần 20 năm và bao bì đóng gói của Hura có sử dụng màng co nhựa được nhiều khách hàng nhận diện. Do đó, một mặt duy trì bao bì cho dòng sản phẩm này, công ty cũng đồng thời phát triển thêm dòng sản phẩm bánh bông lan Hura cao cấp với bao bì hoàn toàn sử dụng nguyên liệu giấy.

Chỉ sau 7 năm, lượng tiêu thụ Hura bao bì giấy vượt xa Hura sử dụng màng co nhựa. “Lượng bán hàng Hura bao bì giấy tăng trưởng 150% mỗi năm cho thấy người tiêu dùng ưu tiên chọn sản phẩm tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường”, ông Hùng chia sẻ.

Trong chuỗi bán lẻ, Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán rộng khắp, cũng đã ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học để đựng hàng hóa cho khách hàng, khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng nhiều lần, túi môi trường khi mua sắm…

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước xu hướng thay đổi theo hướng “xanh hóa” của người tiêu dùng, trong vòng 5 năm nay, khoảng 30% trong số hàng ngàn nhà cung cấp sản phẩm tiêu dùng tại Saigon Co.op đã chuyển qua sử dụng bao bì thân thiện môi trường.

Bên cạnh nâng cao chất lượng, sản phẩm Hura của Bibica đóng gói bao bì bằng nguyên liệu giấy hoàn toàn có lượng tiêu thụ tăng cao.

Bên cạnh nâng cao chất lượng, sản phẩm Hura của Bibica đóng gói bao bì bằng nguyên liệu giấy hoàn toàn có lượng tiêu thụ tăng cao.

Những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đóng chai nhựa Pet như nước uống, dầu ăn… đã chuyển sang dùng chai thủy tinh hoặc sử dụng bao bì giảm nhựa nguyên sinh. Còn doanh nghiệp bánh kẹo, mì gói, thực phẩm… chuyển sang bao bì giấy, hay vật liệu dễ tái chế thay cho bao bì nhựa khó phân hủy.

Với sự chuyển đổi bao bì thân thiện môi trường thì giá sản phẩm cũng tăng lên đáng kể, nhưng theo ông Đức, tình hình cho thấy lượng người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm “xanh”, bao bì thân thiện môi trường ngày càng tăng cao. Ngược lại, một số doanh nghiệp đã bị người tiêu dùng “bỏ quên” vì sử dụng bao bì không thân thiện môi trường.

“Xanh hóa” bao bì không chỉ là một xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Bên cạnh sản phẩm đảm bảo chất lượng, các doanh nghiệp còn đang đầu tư chi phí nhằm thay đổi thành phần của bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng, thân thiện môi trường.

Theo đó, vai trò của các doanh nghiệp bao bì, in ấn rất lớn, góp phần nâng giá trị sản phẩm cho các nhà sản xuất.

Đáng chú ý, với thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những nước nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Người tiêu dùng toàn cầu ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp tuân thủ trách nhiệm môi trường hơn, vật liệu bao bì thân thiện môi trường, dễ phân hủy.

Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối tác từ các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Thế nhưng, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàng khi doanh nghiệp nước ngoài tận dụng được lợi thế về tài chính, công nghệ để chiếm lĩnh thị phần đang trở thành phổ biến. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam từng cảnh báo những trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm bị mất thị trường EU, chỉ vì bao bì chưa đạt tiêu chuẩn.

Trong khi đó, các nhà cung cấp sản phẩm tương tự của Thái Lan làm bao bì đóng gói sản phẩm tốt và có thể nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Việt.

Vào tầm ngắm thâu tóm của nước ngoài

Bao bì, đóng gói và in ấn có vai trò rất quan trọng, tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Do đó, việc cập nhật công nghệ hiện đại cũng như xu hướng sử dụng vật liệu, nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng đặt ra với doanh nghiệp hoạt động trong ngành.

Cùng với sự phục hồi của các ngành sản xuất, ngành bao bì in ấn được các chuyên gia đánh giá có triển vọng tăng trưởng lạc quan trong thời gian tới.

Cơ hội phát triển ngành này còn rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang có sức hút với các nhà sản xuất nước ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mặt khác, sự phát triển của bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.

Ảnh minh họa: L. H

Ảnh minh họa: L. H

Trên thực tế, mức tăng trưởng của ngành này luôn ở mức hai con số (ngoại trừ 2 năm nay do cầu thị trường thế giới sụt giảm khiến hàng hóa sản xuất giảm theo), đây là mức khiến nhiều nhà đầu tư ngoại “thèm khát”.

Điều này cũng lý giải vì sao các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng muốn thâu tóm các nhà máy bao bì Việt để nhanh chóng tham gia thị trường, thay vì đầu tư dự án mới.

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết từ năm ngoái, nhiều đoàn doanh nghiệp của Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… đến tìm hiểu đầu tư và muốn mua lại các nhà máy doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam trong ngành do áp lực cạnh tranh và không có lực lượng kế thừa phát triển nên cũng đã quyết định bán doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Những doanh nghiệp này cho biết giá thâu mua của nhà đầu tư ngoại khá cao trong khi họ ngày càng bị áp lực cạnh tranh khá lớn của nhà sản xuất ngoại nên quyết định bán. Theo ông, có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Điều đáng chú ý những giao dịch này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp nhỏ mà cả những công ty quy mô lớn.

Như cuối năm ngoái, SCGP (Thái Lan) hoàn tất mua 70% cổ phần của Công ty Starprint Việt Nam (SPV), nhà sản xuất bao bì carton gấp offset cao cấp hàng đầu tại Việt Nam.

Ngoài khoản đầu tư hơn 676 tỉ đồng của SCGP, Starflex – công ty bao bì khác của Thái Lan, cũng nắm giữ 25% cổ phần tại SPV.

Trước đó (năm 2021), Công ty nhựa Duy Tân cũng công bố đã chuyển nhượng 70% cổ phần mảng bao bì và nhựa gia dụng cho SCGP. Năm 2020, Bao bì Biên Hòa cũng về tay TCG Solutions…

Trong bối cảnh yêu cầu của khách hàng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe, đòi hỏi bao bì không chỉ tiện lợi mà còn phải an toàn, thân thiện môi trường và cả thông minh nữa. Do đó, đổi thay bao bì, cải tiến quy cách đóng gói là những cuộc đua không hồi kết, sáng tạo không ngừng của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất bao bì Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, do đó không có nguồn vốn đủ mạnh cũng như khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chính phủ. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp không có khả năng đầu tư vào máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại…

Không có nhiều lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, việc một số doanh nghiệp thoái lui khỏi thị trường hoặc “bán mình” là điều không khó hiểu.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-bao-bi-viet-hut-hoi-trong-cuoc-choi-xanh-va-sang-tao/
Zalo