Doanh nghiệp bao bì đang đối mặt với 'cuộc chiến trên kệ hàng'
Không chỉ là lớp vỏ bảo vệ sản phẩm, bao bì đang trở thành công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng thị phần nhờ ứng dụng công nghệ số và tư duy sáng tạo.
Ngành bao bì Việt Nam đang bước vào giai đoạn phân hóa khốc liệt khi tăng trưởng dự báo đạt 10-12%/năm giai đoạn 2025-2030. Nhưng thực tế, hàng trăm mẫu bao bì nhảy múa trên quầy siêu thị mỗi ngày, nhưng chỉ một vài thiết kế đột phá được người mua chọn mặt gửi vàng.
Công nghệ chiếm lĩnh tâm trí người tiêu dùng
TS. Trần Anh Tuấn, Chuyên gia R&D, CEO Meslab Dong‑Han, phân tích: “Cuộc chiến khốc liệt nhất diễn ra ngay trên kệ hàng, khi mỗi sản phẩm chỉ có 3–5 giây để thu hút ánh nhìn và tạo ấn tượng đầu tiên với khách hàng.”
Không chỉ đua nhau thiết kế bắt mắt, doanh nghiệp bao bì phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trẻ Gen Y và Gen Z, những người đề cao tính minh bạch về nguồn gốc, trải nghiệm tương tác và cam kết phát triển bền vững.
Trước biến động chi phí nguyên vật liệu và năng lượng leo thang, tối ưu hóa hiệu suất sản xuất và giảm lãng phí cũng trở thành bài toán sống còn. TS. Tuấn cho rằng doanh nghiệp Việt cần áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và công nghệ hiện đại để giữ vững lợi thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp in ấn bao bì tăng trưởng hiệu quả trong thời đại số hóa.
TS. Nguyễn Hoàng Khanh, Founder NEAX, Giảng viên Đại học Văn Lang, dẫn báo cáo McKinsey & Company cho thấy 98% doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở hạ tầng CNTT chưa hoàn thiện, năng lực nhân sự thiếu đồng đều, cùng hệ thống quản trị phân tán dữ liệu. “Dữ liệu phân tán khiến báo cáo chậm, quyết định sai hướng, từ đó lãng phí hàng trăm triệu đô la mỗi năm,” ông Khanh cảnh báo.
Để khắc phục tình trạng này, TS. Tuấn đề xuất loạt giải pháp giúp doanh nghiệp bao bì tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua ứng dụng công nghệ AR, AI và IoT, từ đó thúc đẩy đổi mới sản phẩm và quy trình sản xuất.
Một trong những giải pháp nổi bật là phát triển bao bì thông minh tích hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR), cho phép người dùng quét bề mặt bao bì bằng điện thoại để hiển thị hình ảnh động hoặc video giới thiệu sản phẩm, nâng cao trải nghiệm tương tác và giá trị thương hiệu.
Minh chứng sinh động từ thương hiệu rượu vang 19 Crimes của Tập đoàn Treasury Wine Estates (Úc) cho thấy sức mạnh của AR. Thông qua ứng dụng di động miễn phí “Living Wine Labels”, hãng đã ứng dụng công nghệ AR để “hồi sinh” các nhân vật lịch sử, những tù nhân Anh bị lưu đày sang Úc – trên nhãn chai. Khi người dùng quét camera điện thoại vào nhãn, từng nhân vật sẽ kể lại câu chuyện của mình, mang đến trải nghiệm tương tác độc đáo.
Vũ khí sắc bén để kể chuyện thương hiệu
Giải pháp kể chuyện bằng công nghệ AR đã giúp 19 Crimes ghi nhận doanh số bùng nổ, trở thành thương hiệu rượu vang tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường Mỹ với mức tăng hơn 60% chỉ trong năm đầu tiên ra mắt ứng dụng. Ứng dụng “Living Wine Labels” thu hút hơn 5 triệu lượt tải trên toàn cầu, cùng hàng triệu lượt tương tác và chia sẻ video trải nghiệm trên mạng xã hội, góp phần giảm đáng kể chi phí cho các hoạt động marketing truyền thống.
Ông Tuấn nhận định, thành công của chiến dịch 19 Crimes đến từ hai yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là khả năng thấu hiểu tâm lý khách hàng (insight), đặc biệt là thế hệ Millennials – nhóm người tiêu dùng khao khát những trải nghiệm mới mẻ, giàu tính khám phá và dễ chia sẻ trên mạng xã hội. Thứ hai là sức mạnh của nội dung – “Content is King” – khi chính câu chuyện lịch sử về 19 tội nhân đã đủ hấp dẫn, và công nghệ AR trở thành công cụ lý tưởng để truyền tải thông điệp một cách sinh động và bất ngờ.
Để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” insight, doanh nghiệp đã áp dụng tư duy thiết kế (Design Thinking) với ba nguyên lý then chốt. Trước hết là “thấu cảm” (empathize) – đặt mình vào vị trí khách hàng để quan sát, lắng nghe và nhận diện nhu cầu tiềm ẩn. Tiếp theo là giai đoạn “sáng tạo ý tưởng” (ideate), nơi các giải pháp được phát triển một cách linh hoạt và không giới hạn. Cuối cùng là “thử nghiệm và học hỏi” (prototype & test), với việc xây dựng các phiên bản thử nghiệm nhanh, chi phí thấp nhằm kiểm chứng ý tưởng trực tiếp với người dùng thực tế.
Ở Việt Nam, bao bì thông minh AR có thể ứng dụng đa ngành: quét bao bì cà phê để theo dõi hành trình từ nông trại Tây Nguyên đến ly pha phin; quét nhãn nước mắm để tái hiện quy trình ủ chượp và hình ảnh làng nghề truyền thống; hay quét gói đồ chơi để nhân vật hoạt hình hướng dẫn cách lắp ráp, chơi đùa. Những trải nghiệm tương tác này không chỉ gia tăng giá trị cảm nhận mà còn trở thành “vũ khí” cạnh tranh trên kệ siêu thị lẫn sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh AR, AI và IoT cũng được khuyến nghị đưa vào quy trình sản xuất và quản trị. IoT giúp giám sát môi trường sản xuất, nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí theo thời gian thực, giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm. AI hỗ trợ dự báo nhu cầu, tối ưu hóa tồn kho và tự động hóa khâu phân loại, đóng gói. Sự kết hợp ba nền tảng công nghệ hứa hẹn mang lại đột phá về khả năng sản xuất, giảm lãng phí, tăng tính minh bạch và dấu ấn thương hiệu.
Doanh nghiệp bao bì Việt Nam đã bước đầu chuyển đổi số nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa. TS. Khanh gợi ý lộ trình 3 giai đoạn: xây dựng nền tảng dữ liệu tập trung, số hóa quy trình sản xuất và cuối cùng là phát triển các sản phẩm bao bì thông minh, tương tác. “Không thể chỉ dừng ở phần mềm quản trị, doanh nghiệp cần đưa công nghệ vào sản phẩm, đưa sản phẩm vào trải nghiệm khách hàng,” ông nhấn mạnh.
Cuộc đua khốc liệt trên kệ hàng đòi hỏi doanh nghiệp bao bì Việt Nam không chỉ tập trung vào chi phí hay thiết kế mà phải chuyển mình thành những đơn vị công nghệ. Thực tế tăng cường AR, trí tuệ nhân tạo AI và Internet vạn vật IoT chính là chìa khóa để kể chuyện thương hiệu, tối ưu hóa hoạt động và tạo trải nghiệm độc đáo cho thế hệ tiêu dùng mới.
Hành trình chuyển đổi số triệt để càng sớm càng giúp doanh nghiệp Việt “bứt phá” và chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong giai đoạn tăng trưởng hai chữ số. Với tôn chỉ “từ insight đến trải nghiệm”, bao bì không còn là lớp vỏ bọc sản phẩm, mà là kênh tương tác, kênh kể chuyện, kênh bán hàng hiện đại, công cụ chiến lược cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn vươn ra thị trường toàn cầu.