Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò 'cầu nối'
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai mới có 16 đại biểu gồm các ĐBQH của 2 tỉnh Đồng Nai (cũ) và Bình Phước (cũ).
Trong giai đoạn mới, các ĐBQH tỉnh đã và đang tiếp tục nỗ lực phát huy cao nhất vai trò trách nhiệm, đồng hành với sự phát triển của tỉnh, là “cầu nối” tin cậy giữa Quốc hội và cử tri.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quốc hội) gặp gỡ, giải đáp các thắc mắc của cử tri bên lề một hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: H.Thảo
Gần gũi với cử tri
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025, gắn với việc đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Không để ngắt quãng công việc, đoàn đã sớm ổn định tổ chức và bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ. Từ những ngày đầu tháng 7 vừa qua, các ĐBQH tỉnh đã đến gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cử tri khắp các địa phương trong tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH tỉnh đã kịp thời thông tin đến cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được quyết nghị từ kỳ họp. Đoàn cũng ghi nhận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri gửi gắm đến nghị trường Quốc hội cũng như cấp có thẩm quyền.
Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được xem là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay. Có thể nói, đây là kỳ họp với những quyết sách mang tính lịch sử nhằm tiếp tục tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt là những quyết sách để chuyển từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chưa có trong tiền lệ. Với khối lượng công việc rất lớn, Quốc hội đã hết sức tập trung, khẩn trương, trách nhiệm cao làm việc không kể ngày nghỉ, ngày lễ.
Sau sáp nhập tỉnh, Đoàn ĐBQH Đồng Nai có 16 đại biểu gồm các đại biểu Trung ương và địa phương. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động, gần dân, sát với dân, gắn với hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp. Các hoạt động giám sát, tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân… sẽ tiếp tục được đoàn triển khai chất lượng, hiệu quả.
Cũng với tinh thần ấy, để góp sức vào thành công cho kỳ họp, các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia phát biểu thảo luận sôi nổi ở tổ và hội trường; đồng thời, gửi văn bản kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Cùng với đó, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động của các ủy ban của Quốc hội mà ĐBQH là thành viên.
Đánh giá cao ý nghĩa và thành công lớn của Kỳ họp thứ 9 vừa qua của Quốc hội, cử tri Nguyễn Thị Lành (ngụ xã Nhơn Trạch) cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, ĐBQH, trong đó có ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
“Qua xem truyền hình, báo chí, tôi thấy một số ĐBQH của Đồng Nai hoạt động khá sôi nổi tại nghị trường Quốc hội. Một số đại biểu đã tích cực phát biểu đóng góp ý kiến tại hội trường sát với tâm tư, nguyện vọng của cử tri” - bà Nguyễn Thị Lành chia sẻ.
Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
ĐBQH Trịnh Xuân An, hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quốc hội, cho biết, cũng tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15-3-2026 (rút ngắn 3 tháng).
“Chúng tôi cơ bản sẽ chỉ còn tiếp xúc cử tri trong khuôn khổ kỳ họp này và một kỳ họp sau nữa là sẽ kết thúc nhiệm kỳ này để bước sang nhiệm kỳ mới. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình, sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội và phát huy vai trò cầu nối của cử tri với Quốc hội” - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An, hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quốc hội (thứ 2 từ phải qua) và đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Long Hưng (bìa phải), gặp gỡ, trao đổi với cử tri bên lề một hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Hồ Thảo
Trước một số vấn đề cử tri kiến nghị kéo dài, một số vấn đề đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhưng cử tri còn băn khoăn, chưa đồng thuận, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, các ĐBQH tỉnh sẽ tham gia cùng chính quyền của tỉnh xử lý dứt điểm, rõ ràng, thấu tình đạt lý. Theo đại biểu Xuân An, để tỉnh Đồng Nai mới phát triển, vận hành hiệu quả chính quyền mới thì không thể để những vấn đề khúc mắc trong dân còn tồn tại. Đội ngũ cán bộ, công chức cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ, người dân cùng chung tay, góp sức. ĐBQH tỉnh cũng sẽ cùng các cấp chính quyền trong tỉnh luôn lắng nghe, chia sẻ, không có gì hơn ngoài phục vụ lợi ích của địa phương, của người dân và doanh nghiệp.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Xuân Thống chia sẻ thêm, việc sáp nhập 2 tỉnh Bình Phước (cũ) và Đồng Nai (cũ) thành tỉnh Đồng Nai mới và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã tạo ra không gian rộng lớn hơn, cũng như tạo động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Đồng Nai mới là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của cả nước về diện tích, dân số, quy mô nền kinh tế. Điều này tạo ra những lợi thế rất lớn cho sự phát triển, bên cạnh đó cũng sẽ có những thách thức.
Song song với đó, để đảm bảo vận hành hiệu quả, thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ còn nhiều việc phải làm. Quốc hội đang tiếp tục khẩn trương thực hiện sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Từ thực tiễn phát triển của tỉnh Đồng Nai mới, của việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, từ ý kiến kiến nghị của cử tri và các cấp chính quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nắm bắt và chuyển tải, cũng như có những kiến nghị đề xuất đến Quốc hội và các cơ quan thẩm quyền ở Trung ương. Mục tiêu là góp phần để Đồng Nai phát huy thế mạnh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới.