Đoàn công tác thành viên Chính phủ làm việc với tỉnh Ninh Bình

Đoàn công tác thành viên Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kết quả triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

 Đoàn công tác thành viên Chính phủ làm việc tại Ninh Bình

Đoàn công tác thành viên Chính phủ làm việc tại Ninh Bình

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá; tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi, từng bước ổn định với giá trị sản xuất đạt trên 48 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư phát triển tiếp tục duy trì, với tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 6 tháng đầu năm đạt gần 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ và đạt 46,6% kế hoạch năm.

Tính đến 21/6/2024, tổng số vốn giải ngân đạt trên 2.086 tỷ đồng, bằng 32,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các dự án đặc biệt là các dự án trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng được triển khai đảm bảo tiến độ yêu cầu; một số công trình, hạng mục công trình đã được hoàn thành, cơ bản hoàn thành, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi tích cực, với tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 1.679 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ, đạt 51,7% kế hoạch năm.

 Đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động tại Nhà máy kính CFG, thuộc KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh

Đoàn công tác kiểm tra tình hình hoạt động tại Nhà máy kính CFG, thuộc KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tốt.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan đến việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách địa phương; nạo vét luồng đường thủy nội địa khu vực Cửa Đáy, huyện Kim Sơn kết hợp tận thu sản phẩm cung cấp vật liệu cát phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án dừng hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và bổ sung dự án Nhà máy Điện linh hoạt công suất 300MW tại Ninh Bình vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII;...

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: bám sát sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay Ninh Bình đã chủ động, tích cực, quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất trên cả 3 lĩnh vực kinh tế là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Ninh Bình vẫn có sự tăng trưởng bền vững, từ năm 2022, Ninh Bình trở thành 1 trong 16 địa phương tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Nhờ du lịch, dịch vụ phát triển mà đến nay thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã xếp thứ 11 của cả nước. Các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, điều hành của chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực.

Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 và đến nay đã có gần 1000 ngôi nhà đã được xây mới và sửa chữa.

Một số dự án giao thông lớn có tính chất quan trọng để tạo động lực, dư địa cho nền kinh tế phát triển đang được tỉnh tích cực triển khai như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024, để có được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ và cao so với cả nước, đặc biệt 3 khu vực: công nghiệp, dịch vụ - du lịch và nông nghiệp đều tăng, trong đó sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc so với năm 2023.

Ninh Bình là 1 trong 16 tỉnh tự cân đối ngân sách có điều tiết về trung ương; các công trình hạ tầng trọng điểm được quan tâm đẩy nhanh tiến độ. Ninh Bình đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh để phát triển bền vững.

Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn Phòng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm quốc gia trong đó có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình đảm bảo theo đúng quy chuẩn; sớm khởi công tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn mở rộng, đồng thời tiếp tục duy trì giữ vững và nâng cao thứ hạng các chỉ số của tỉnh và quan tâm hơn nữa tới công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Ninh Bình, trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và đoàn công tác đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế tình hình sản xuất kinh doanh tại một số nhà máy trên địa bàn.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doan-cong-tac-thanh-vien-chinh-phu-lam-viec-voi-tinh-ninh-binh-post300790.html
Zalo