Đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị
Giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển nhanh chóng, đô thị thông minh không còn là lựa chọn, mà trở thành xu thế tất yếu trong phát triển đô thị toàn cầu. Đây được xem là phương thức để thúc đẩy kinh tế số và kinh tế đô thị…

Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng vừa chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác liên ngành điều phối việc xây dựng, triển khai đô thị thông minh. Trong khuôn khổ buổi làm việc, Quyết định thành lập Tổ công tác chính thức được công bố, vị trí Tổ trưởng do Phó Thủ tướng đảm nhiệm.
Tại đây, Tổ công tác đã lắng nghe báo cáo và ý kiến thảo luận từ Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố, cùng một số tập đoàn công nghệ... liên quan đến phát triển đô thị thông minh. Ngoài ra, các thành viên cũng trao đổi về dự thảo Quy chế hoạt động của Tổ; kế hoạch triển khai trong quý 3, 4; dự thảo báo cáo tổng kết Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018–2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950)…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển nhanh chóng, đô thị thông minh không còn là lựa chọn, mà trở thành xu thế tất yếu trong phát triển đô thị toàn cầu. “Đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trên thực tế, Việt Nam cũng có những bước đi khởi đầu ở lĩnh vực này. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh của riêng mình, tổ chức thí điểm từng lĩnh vực đến mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực mang lại cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, quá trình phát triển đô thị thông minh vẫn đối mặt với không ít thách thức, từ thể chế, nhận thức chung, cơ chế điều phối, nền tảng dữ liệu, cho đến nguồn lực và tính kết nối…
Vì vậy, để tháo gỡ những rào cản đang tồn tại, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo Nghị định về phát triển đô thị thông minh theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước ngày 15/8/2025.
Đối với tổng kết Đề án 950, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị công tác tổ chức tổng kết, hoàn thành tổ chức hội nghị tổng kết trong tháng 7/2025.
Song song đó, Bộ Xây dựng tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, nhằm hoàn thiện Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành, trình Tổ trưởng xem xét, phê duyệt trước ngày 20/7; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ công tác theo quy chế trước ngày 20/7.
Về phía địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các đề án phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số… đã và đang triển khai, từ đó chuẩn bị và cập nhật kế hoạch phù hợp với tình hình mới.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, gửi Tổ công tác trước ngày 25/7. Các thành viên Tổ công tác chủ động tham gia xây dựng đề xuất chính sách, phản biện khoa học, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để đô thị thông minh thực sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ và bền vững, các bộ, ngành, địa phương, cũng như thành viên Tổ công tác cần khẩn trương điều phối tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt, phải xây dựng một lộ trình triển khai cụ thể và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phục vụ đô thị thông minh.
“Tổ công tác sẽ đồng hành cùng các đơn vị để đưa công tác phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất”, Phó Thủ tướng khẳng định.