Đô la giảm giá mạnh nhất từ năm 1973

Đồng đô la Mỹ trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973 với mức giảm giá hơn 10% do chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump khiến nhà đầu tư điều chỉnh mức độ tiếp xúc đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới.

Nhà đầu tư ngày càng hoài nghi về vị thế đồng đô la với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn. Ảnh: Reuters

Nhà đầu tư ngày càng hoài nghi về vị thế đồng đô la với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn. Ảnh: Reuters

Chỉ số đô la Mỹ (DXY), thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ sáu ngoại tệ mạnh, giảm 10,8% trong sáu tháng đầu năm nay. Đó là mức giảm mạnh nhất của đô la trong khoảng thời gian sáu tháng đầu năm kể từ năm 1973.

Các bất ổn liên quan đến chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ cũng như việc Tổng thống Trump nhiều lần thúc ép Cục Dự trữ liên bang (Fed) giảm lãi suất đã gây áp lực giảm giá lên đô la.

“Đồng đô la hứng đòn vì chính sách thất thường của Tổng thống Trump”, Francesco Pesole, nhà chiến lược ngoại hối của ngân hàng ING nói và lưu ý thêm, cuộc chiến thuế quan và nhu cầu vay nợ lớn của Mỹ cũng như mối lo ngại về tính độc lập của Fed đã làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng đô la như một nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch hôm 30-6, chỉ số DXY giảm 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022 khi Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu cho các sửa đổi của một dự luật về thuế và chi tiêu. Dự luật này dự kiến bổ sung thêm 3.200 tỉ đô la Mỹ vào tổng nợ công của Mỹ trong 10 năm tới. Điều đó làm dấy lên lo ngại về tính bền vững nợ công của Mỹ, thúc đẩy nhà đầu tư bán đô la và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Đà giảm giá mạnh của đô la làm đảo lộn những dự đoán rộng rãi vào đầu năm rằng, cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn cho các nền kinh tế bên ngoài và thúc đẩy lạm phát của Mỹ, từ đó củng cố sức mạnh của đô la.

Hồi đầu năm, một số ngân hàng ở Phố Wall cũng dự đoán đồng euro sẽ giảm xuống ngang giá với đồng đô la trong năm nay. Rốt cục, đồng tiền này tăng 13% lên trên mức 1 euro đổi 1,17 đô la trong nửa đầu năm khi nhà đầu tư chuyển hướng nhu cầu sang các tài sản an toàn tăng ở châu Âu, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ Đức.

Andrew Balls, giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu của tập đoàn quản lý đầu tư Pimco lập luận rằng, không có mối đe dọa đáng kể nào đối với vị thế của đồng đô la với tư cách đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đô la sẽ không suy yếu đáng kể. Vị giám đốc này nhấn mạnh đến xu hướng chuyển dịch tài sản của giới đầu tư trên toàn cầu để phòng ngừa rủi ro đô la giảm giá mạnh.

Một yếu tố khác khiến đồng đô la giảm giá trong năm nay là kỳ vọng ngày càng tăng rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, với ít nhất năm đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm tới.

Các nhà đầu tư lớn từ quỹ hưu trí đến nhà quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương đã tuyên bố ý định giảm tiếp xúc với đô la và các tài sản khác của Mỹ và đặt câu hỏi liệu đồng tiền này có còn là nơi trú ẩn an toàn khỏi những biến động của thị trường hay không.

“Nhà đầu tư nước ngoài đang yêu cầu phòng ngừa rủi ro ngoại hối lớn hơn đối với các tài sản được định giá bằng đô la và đó là một yếu tố khác ngăn cản đô la phục hồi”, Pesole của ING nói.

Giá đô la đang ở mức yếu nhất so với các loại ngoại tệ mạnh trong hơn ba năm. Tuy nhiên, với tốc độ mất giá nhanh và mạnh của đô la trong những tháng qua, một số nhà phân tích kỳ vọng đồng tiền này sẽ sớm ổn định.

Guy Miller, giám đốc chiến lược thị trường của tập đoàn bảo hiểm Zurich dự đoán, tốc độ giảm giá cùa đồng bạc xanh sẽ chậm lại trong thời gian tới.

Theo Bloomberg, Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/do-la-giam-gia-manh-nhat-tu-nam-1973/
Zalo