Định hình rõ hơn con đường phát triển

TP HCM tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 13.000 USD...

Ngày 27-11, Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề "TP HCM làm gì để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". PGS-TS Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, chủ trì tọa đàm.

Khai thông điểm nghẽn

Tọa đàm nhận được ý kiến đóng góp giá trị của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Trung ương và TP HCM.

Để làm rõ thêm nội hàm của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TS Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP HCM - cho rằng có 5 nội dung. Cụ thể như chuyển từ nền kinh tế đang phát triển thành nền kinh tế phát triển thịnh vượng với sự gia tăng sản xuất mạnh mẽ; tự hào về văn hóa, lịch sử dân tộc, bảo tồn, phát triển giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực.

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị

Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị

Cạnh đó là đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, nghiên cứu, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, khẳng định được nền kinh tế tự chủ trong thời đại toàn cầu hóa.

Các đại biểu cũng chỉ ra những điểm nghẽn mà TP HCM gặp phải, cần tháo gỡ để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, nhận định TP HCM đối mặt với 3 điểm nghẽn là vấn đề giao thông đô thị, rác thải và nhà ở cho người dân.

PGS-TS Nguyễn Tất Viễn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo cán bộ để kế tục sự phát triển của đất nước và TP HCM. "Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam thì cần phải có những con người mới" - ông nói.

Với PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, TP HCM gặp một số vấn đề về thể chế lẫn con người và Luật Đô thị đặc biệt có thể giải quyết câu chuyện này.

"TP HCM là đô thị đặc biệt, do đó rất cần Luật Đô thị đặc biệt. Luật này sẽ giúp giải quyết cơ bản những điểm nghẽn về thể chế" - PGS-TS Nguyễn Tất Viễn phân tích và khẳng định khi thể chế cất cánh, các lĩnh vực khác sẽ cất cánh theo.

Cơ hội thực hiện khát vọng

Từ các phát biểu, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát đúc kết 9 điểm chính của buổi tọa đàm.

Theo đó, các đại biểu thống nhất cao nhận thức chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" của Tổng Bí thư Tô Lâm. Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là thời cơ để TP HCM thực hiện khát vọng phát triển; phát huy đúng tầm vóc, sứ mệnh dẫn đầu của thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Các đại biểu cũng thống nhất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ như cuộc cách mạng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Cạnh đó, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị cũng như dựng đội ngũ cán bộ các cấp tinh thông, có chuyên môn cao, trình độ quản lý giỏi và đạo đức tốt.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu TP HCM trên cơ sở bản sắc giá trị cốt lõi, danh tiếng của thành phố. Phát triển văn hóa TP HCM ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và làm sâu sắc hơn Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh; đưa các giá trị về nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc, du lịch đi vào đời sống văn hóa của người dân địa phương một cách gần gũi nhất.

Nền kinh tế của TP HCM cần phát triển cao và nhanh với quy mô và tốc độ hơn trung bình của cả nước từ 1,2-1,5 lần. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải được chú trọng song song với phát huy lợi thế sông nước, biển để mở ra hướng phát triển mới, tạo động lực và mở ra không gian, cánh cửa hội nhập cho TP HCM.

Điểm chính quan trọng nữa, theo PGS Nguyễn Tấn Phát, đó là TP HCM phải phát huy được lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

"Thành phố cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu phát triển trong thời gian tới" - Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, nhấn mạnh ý này.

Đây là thời kỳ quyết định

Theo TS Trần Du Lịch, giai đoạn 2026-2035 có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa nước ta. Đây phải là giai đoạn thể hiện cao nhất khát vọng vươn lên của dân tộc với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Vì vậy, cần xác lập vị trí, vai trò của TP HCM trong 10 năm tới.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại tọa đàm

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh "đây là thời kỳ quyết định". Do đó, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP HCM phải duy trì ở mức cao, thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt của TP HCM với khu vực.

Nói về 10 năm tới, theo TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, thành phố có hệ thống đường vành đai tương đối hoàn chỉnh phục vụ liên kết vùng, liên kết cả nước và một số quốc gia trong khu vực. Các đường vành đai còn giúp TP HCM mở ra các quỹ đất, tạo ra các không gian phát triển đô thị mới.

Ngoài ra, đến năm 2035, TP HCM phấn đấu hoàn thành và quyết tâm vận hành 183 km đường sắt đô thị... Còn trong 5 năm tới, thành phố di dời hơn 46.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, chỉnh trang đô thị và phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 13.000 USD.

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dinh-hinh-ro-hon-con-duong-phat-trien-196241127211336035.htm
Zalo