Định danh người bán hàng online: Ðiều kiện tiên quyết cho một thị trường minh bạch

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc định danh người bán hàng trực tuyến là yếu tố then chốt nhằm kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.

Sắp tới, người bán trên các sàn thương mại điện tử sẽ được định danh thông qua ứng dụng VNeID.

Sắp tới, người bán trên các sàn thương mại điện tử sẽ được định danh thông qua ứng dụng VNeID.

Yêu cầu bắt buộc

Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2024, quy mô thị trường TMÐT B2C (Business To Consumer - từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng) đạt khoảng 650.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), chiếm xấp xỉ 10% doanh thu bán lẻ trong nước và đóng góp gần 20% GDP. Các chuyên gia dự báo rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng 18 - 25%/năm, quy mô TMĐT Việt Nam sẽ đạt 63 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu gần 1 tỷ USD mỗi tháng qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop...

Tuy nhiên, song song với sự bùng nổ của TMĐT là hàng loạt rủi ro đối với cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Các vấn đề như gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cùng với quy trình khiếu nại phức tạp và khó xác minh vẫn diễn ra dai dẳng. Một trong những thách thức nổi bật là tình trạng “người bán vô danh” - những cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh trực tuyến nhưng không công khai thông tin cơ bản như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc truy vết, xác định trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật.

Trước thực tế trên, việc định danh người bán online không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng và phát triển bền vững. Định danh không chỉ là “điểm chạm” công nghệ, mà là cơ chế gắn trách nhiệm pháp lý với mỗi giao dịch kinh doanh online, qua đó góp phần chống hàng giả, gian lận thương mại và trốn thuế. Khi đã có mã định danh rõ ràng, người bán buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định về chất lượng, xuất xứ hàng hóa hay nghĩa vụ thuế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều cá nhân đang lợi dụng nền tảng TMĐT để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hoặc “lách luật” trong kê khai thuế.

Bên cạnh đó, việc định danh người bán online cũng sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách, thúc đẩy quản lý thuế trong kỷ nguyên số. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, 5 tháng đầu năm 2025, số thu từ khu vực TMĐT đạt 74.400 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2024 - một con số cho thấy tiềm năng rất lớn của loại hình kinh doanh này nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về cơ chế quản lý hiệu quả. Khi người bán được định danh, cơ quan thuế có thể tự động truy thu, khấu trừ hoặc giám sát nghĩa vụ thuế thông qua nền tảng số, thay vì phụ thuộc vào báo cáo tự kê khai. Đây là bước đi căn bản để mở rộng cơ sở thu, giảm thất thu, và tạo công bằng giữa kinh doanh truyền thống và TMĐT.

Đặc biệt, định danh người bán online còn có ý nghĩa quan trọng đối với các nhóm yếu thế như lao động tự do, phụ nữ khởi nghiệp, người dân ở vùng nông thôn, miền núi - những đối tượng đang từng bước tham gia vào TMÐT nhưng còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kênh phân phối chính thức. Việc định danh người bán sẽ mở ra cơ hội để họ tiếp cận các chương trình hỗ trợ, nguồn tín dụng ưu đãi và từng bước tham gia vào hệ sinh thái kinh doanh hợp pháp, chính quy.

Nền tảng thiết yếu cho hệ sinh thái TMĐT bền vững

Định danh người bán hàng online hiện nay không chỉ còn là một yêu cầu mang tính kỹ thuật hay hành chính, mà đã trở thành nền tảng pháp lý và thể chế quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMÐT.

Về mặt pháp lý, Nghị định 117/2024 quy định các sàn TMÐT phải thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán, bắt đầu từ ngày 1-7-2025. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thương mại điện tử (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2025) sẽ quy định bắt buộc cá nhân kinh doanh online phải đăng ký mã số thuế và thực hiện định danh. Về kỹ thuật, VNeID được sử dụng để xác thực danh tính người bán online. Các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, TikTok Shop...) tích hợp hệ thống API để chuyển dữ liệu thuế tự động cho cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Công an đang nghiên cứu cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống VNeID, cơ sở dữ liệu thuế và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ tạo nền tảng cho việc định danh xuyên suốt, giúp quản lý, giám sát, thanh tra hiệu quả hơn.

Định danh người bán, bởi thế, không chỉ là biện pháp hành chính, mà đang trở thành nền tảng thiết yếu cho một hệ sinh thái TMĐT minh bạch, đáng tin cậy và phát triển bền vững. Với việc triển khai mã số thuế cá nhân, tài khoản định danh VNeID và cơ chế xác thực sàn TMĐT, chính sách này đang tạo ra tác động tích cực trên ba phương diện rõ nét.

Đầu tiên, chính sách này đã góp phần tăng mạnh thu ngân sách nhờ minh bạch hóa dòng tiền. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, thuế thu từ TMÐT đã tăng 55% so với cùng kỳ năm 2024 - mức tăng kỷ lục. Dự báo cả năm, ngành thuế có thể thu về từ 180.000 - 200.000 tỷ đồng từ người bán online, phần lớn đến từ các tài khoản đã được định danh. Khi danh tính người bán được xác thực rõ ràng, nghĩa vụ thuế được thực hiện đầy đủ và minh bạch, qua đó phản ánh hiệu quả rõ nét của chính sách.

Thứ hai là củng cố niềm tin thị trường - yếu tố sống còn của TMĐT. Tình trạng lừa đảo, giao hàng sai sản phẩm hoặc mất liên lạc với người bán là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Các sàn TMĐT cũng ghi nhận tỉ lệ khiếu nại cao hơn tại các gian hàng chưa được xác thực. Ngược lại, người dùng ngày càng ưu tiên mua sắm tại các gian hàng có định danh rõ ràng và được gắn biểu tượng xác thực. Danh tính minh bạch vì thế trở thành lợi thế cạnh tranh mới trong môi trường TMĐT.

Cuối cùng, định danh giúp chính quy hóa và hiện đại hóa hệ sinh thái TMĐT. Việc này tạo điều kiện kết nối người bán nhỏ lẻ vào hệ thống tài chính chính thức, giúp họ tự động khai và nộp thuế, xây dựng hồ sơ tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch, đồng thời tiếp cận vốn vay và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Nhờ công nghệ số, nhà nước có thể truy vết giao dịch một cách hiệu quả, giảm bớt gánh nặng quản lý, đồng thời thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và có trật tự.

Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số khó khăn đáng kể trong việc đồng bộ chất lượng định danh giữa các sàn TMĐT. Người bán nhỏ, lẻ online vẫn chưa quen với việc đăng ký mã số thuế, đồng thời có những lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư khi sử dụng dữ liệu VNeID. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý liên quan đến chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin và xử lý tranh chấp liên quan đến định danh số vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, cần tổ chức thí điểm định danh với nhóm người bán có doanh thu lớn trước khi mở rộng dần sang các nhóm nhỏ lẻ khác. Đồng thời, cần bổ sung các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong giao dịch điện tử. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn định danh và khai thuế trực tuyến cho người bán nhỏ, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

Song song đó, việc xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu định danh giữa Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế và Bộ Công an cần được thực hiện theo hướng bảo mật và hiệu quả. Các sàn TMĐT cần được khuyến khích tích hợp hệ thống xác thực VNeID và mã số thuế khi người bán mở gian hàng, đồng thời công khai tỉ lệ vi phạm và khiếu nại để tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin thị trường.

Đối với Hà Nội - một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số và phát triển TMĐT - việc đẩy mạnh định danh người bán cần được xác định là ưu tiên chiến lược trong hoạch định chính sách thương mại đô thị thông minh. Chính quyền thành phố có thể chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương để triển khai các mô hình thí điểm như sàn TMĐT minh bạch, quản lý thuế tự động, hay kiểm tra sau giao dịch bằng công nghệ thông minh. Những sáng kiến này sẽ góp phần hình thành một môi trường kinh doanh số hiện đại, minh bạch, công bằng và bền vững.

PGS.TS Ngô Trí Long

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dinh-danh-nguoi-ban-hang-online-ieu-kien-tien-quyet-cho-mot-thi-truong-minh-bach-709952.html
Zalo