Đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng
Một số tài liệu nghiên cứu cho biết, nguyên liệu đúc Cửu đỉnh do triều đình cung cấp, gồm 2 nguyên liệu chính là đồng và kẽm, có thể thêm chì, thiếc… lấy từ trong kho hoặc các phế khí hay những vật phẩm bằng đồng không cần dùng nữa. Người thợ đúc phải căn cứ vào nguồn nguyên liệu đó để pha chế theo tỷ lệ thích hợp (…).
Ngoài nguyên liệu đồng, còn chất đốt và kỹ thuật làm khuôn. Nhiên liệu gồm có rơm, rạ, củi. Kỹ thuật làm khuôn đóng một vai trò quan trọng trong kỹ nghệ đúc đồ đồng. Và nó càng quan trọng và phức tạp hơn trong việc đúc các đồ mỹ nghệ phẩm như Cửu đỉnh với lối thể hiện hoàn mỹ hình dáng và ác hình trang trí nổi.
Khuôn đúc được làm bằng đất sét dẻo và giấy gió ở phần mặt khuôn giáp hiện vật, và đất sét trộn trấu luyện kỹ ở xưởng khuôn. Cửu đỉnh có khối hình lớn, phức tạp, cần độ bền vững tuyệt đối nên phải đúc liền khối. Do dáng hình của mẫu vật và sự phức tạp của các hình trang trí, nên đỉnh cần phải ghép nhiều mảnh khuôn, khi đúc xong phá bỏ để lấy hiện vật.
Hiện tượng kỹ thuật này chúng ta có thể thấy được vụ thể và rất rõ qua bộ sưu tập ảnh của người Pháp về kỹ thuật đúc tượng đồng ở làng Ngũ Xã (Hà Nội) (1952) và ở chùa Sét xã Thịnh Liệt (Thanh Trì) (1954).
Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, kỹ thuật đúc đỉnh rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề điêu luyện. Khi chế tác, trong tâm thức của người thợ cũng như ý đồ của triều đại là muốn đúc 9 chiếc đỉnh cao và nặng kích thước khác nhau. Nhìn chung, các đỉnh vẫn tạo ra sự thống nhất trong tổng thể, thống nhất mà không đồng nhất, tất cả đều bề thế, cao to, vững vàng mà không nặng nề. Trong cái hình khối thống nhất, hài hòa ấy, từng phần ở mỗi đỉnh lại có sự đổi mới, như nét chấm phá của sự sáng tạo và trí tuệ. Trên thân của đỉnh lại trang trí một kiểu riêng, biểu hiện sự giàu đẹp của mọi miền Tổ quốc; núi sông, cây cỏ, động vật, xe thuyền và các quan niệm về vũ trụ và thiên nhiên…
Cửu đỉnh còn hàm chứa quyền lực của vương triều bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của đất nước (kể cả vùng trời và biển), cùng với sức mạnh bảo vệ chủ quyền sở hữu ấy. Có thể xem các hình tượng trên Cửu đỉnh là một bộ “Địa dư chí” được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình của nước ta ở thế kỷ 19, tuy không nhiều nhưng điển hình, và bao hàm rất đầy đủ.
Nghệ nhân khi thể hiện những họa tiết trên Cửu đỉnh đã thoát ra ngoài cái nhìn cố định, không lệ thuộc vào trạng thái tự nhiên của vật thể cũng như tỷ lệ kích thước của chúng, mà họ đã sáng tạo bằng sự sắp xếp lại cho vừa một mảng diện tích tương đương nhau trên bầu của đỉnh.
Với kỹ thuật khắc nổi vừa phải, các hình trên thân đỉnh tuy để trang trí mặt ngoài bầu, nhưng không lặp lại quy luật trang trí dải, mà mỗi hình như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, tạo ra những nhịp điệu uyển chuyển. Sự đa dạng, tính thống nhất, sự tinh tế và hài hòa đã thể hiện tư duy của nghệ nhân đúc đồng thời bấy giờ: Sáng tạo và năng động.
Những đánh giá của Hoàng đế Minh Mạng khi khánh thành bộ Cửu đỉnh: Cả thảy đều “to lớn sừng sững, đứng cao, không vết nứt nẻ chút nào” đã chứng tỏ trình độ đúc đồng thời đó đã phát triển đến độ hoàn mỹ, xứng đáng “dành làm của báu cho con cháu đời sau” như tâm nguyện của ngài.
Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Năm 2012, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia.