Diệu Sơn 'non nước thanh u'

Là xã trung du miền núi của tỉnh nhưng lại có số lượng người Kinh sinh sống rất đông, Cẩm Vân có điều kiện phát triển về kinh tế và văn hóa từ sớm. Tuy nhiên, nhắc về vùng đất này, không thể không nhắc đến phong cảnh hữu tình, có núi Diệu Sơn nằm ở hữu ngạn sông Mã.

Lễ hội chùa Diệu Sơn hằng năm thu hút đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn xã Cẩm Vân tham gia.

Lễ hội chùa Diệu Sơn hằng năm thu hút đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn xã Cẩm Vân tham gia.

Được sự giới thiệu của bí thư kiêm trưởng thôn Nguyễn Mạnh Hồng chúng tôi được biết, thôn/ làng Vân Quan là kết quả sáp nhập 2 làng Vân Trai và Quan Bằng – những làng cổ nhất trên đất xã Cẩm Vân với lịch sử hình thành khoảng 600 năm. Nếu làng Vân Trai ra đời ở vùng núi Eo Lê vào khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, nơi cửa ngõ ra vào của vùng đất Vĩnh Ninh xưa (nay thuộc xã Vĩnh Lộc) với đồng bằng Thanh Hóa mang hình dáng giống như đuôi của con cá chép đang vùng vẫy thì làng Quan Bằng (ban đầu có tên là Bằng Biện Học; về sau nằm trong tổng Quan Hoàng nên được ghép lại gọi là Quan Bằng) mang hình dáng của con cá vược, nằm biệt lập một mình bên dòng sông Mã; phía Tây Nam có núi Màu nâng đỡ, phía Đông Bắc là đồng ruộng bao quanh.

Cũng theo ông Hồng, làng phần lớn là người Kinh, trong đó các dòng họ: Nguyễn, Trần, Lê, Trịnh, Vũ... đến đây sinh sống từ rất sớm... Tương truyền, người thành lập làng là một người đàn bà đi bắt cua. Khi nhà vua đi vãn cảnh chùa Màu (chùa Diệu Sơn) giữa trời nắng thấy một bà bắt cua trên đồng, bà đi đến đâu có áng mây che đến đó như lộng che. Nhìn thấy rất lạ và cảm kích trước tính cần cù chịu thương chịu khó của người đàn bà, nhà vua truyền phong tước cho bà là Ngọc Trân công chúa hay còn gọi là bà chúa Cua hay bà chúa Che.

Nhắc đến xã Cẩm Vân là nhắc đến núi Màu (còn gọi là Diệu Sơn), với phong cảnh hữu tình. Từ trung tâm phường Hạc Thành đến xã Cẩm Vân chừng 60km, chúng ta sẽ gặp một ngọn núi hình con cóc nhô ra sông Mã và trên lưng chừng núi là chùa Màu (chùa Diệu Sơn). Nằm bên dòng Mã giang thơ mộng, tiếng chuông chùa thảng hoặc vang lên, vì thế núi và chùa Diệu Sơn đã từng khiến bao thi nhân mặc khách xiêu lòng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn thời Tự Đức (1865) biên soạn có chép: “Ở trên núi Diệu Sơn thuộc xã Quan Bằng, huyện Cẩm Thủy, phía trên núi có động, sau động dựng nên chùa. Trong chùa có tượng đá, có bản khắc kinh, có chuông treo trước cửa và có các thác nước lượn quanh 9 khúc. Nơi đây non nước thanh u, cũng là cảnh thú vị trong chốn lâu huyền”.

Chẳng thế mà các tài liệu chép về núi Màu nói chung, chùa Màu nói riêng đều ghi, xưa kia, đường lên chùa có hai pho tượng đá to bằng người thật, Nhân dân nơi đây thường gọi là tượng Ông Lõ và tượng Bà Banh. Ngoài ra, chùa còn có 13 pho tượng Phật, 1 quả chuông nặng 80kg, cùng rất nhiều đồ thờ bằng gốm, bằng đá...

Ở vách đá của chùa Màu còn có 4 văn bia khắc chìm bằng chữ Hán. Văn bia thứ nhất khắc năm 1690 thời vua Lê Hy Tông, ghi công đức những người cung tiến để tạc tượng, đúc chuông và xây dựng chùa. Bia thứ 2, khắc năm 1754 ghi lại nội dung bài thơ vịnh cảnh của Tĩnh đô vương Trịnh Sâm. Ngoài ra còn có 2 tấm bia, 1 khắc chữ “Cẩm Vân” và 1 khắc “Cẩm Vân diệu trí”. Rất tiếc do thời gian và công tác bảo tồn di tích chưa tốt nên nhiều hàng chữ trên văn bia đã bị đập nham nhở, khó đọc.

Từ trên núi Màu (Diệu Sơn) nhìn xuống là không gian mênh mông của sông Mã.

Từ trên núi Màu (Diệu Sơn) nhìn xuống là không gian mênh mông của sông Mã.

Tuy nhiên, từ nguồn sử liệu, bài thơ của chúa Trịnh Sâm được viết nhân chuyến kinh lý qua mảnh đất này đã phần nào giúp chúng ta thêm hiểu về khung cảnh Diệu Sơn:

“Nhà không, hang rộng thợ trời xây

Màu nhiệm dấu truyền mãi tới nay

Muôn thuở trăng tà thăm động thẳm

Nửa song ghềnh cạn chín vòng xoay

Trong mây chuông vọng xua trần tục

Trước cửa tượng ngồi loang tuyết bay

Đất nước thanh bình vui mở hội

Bút lông bao quát núi sông này”.

(Hồng Phi dịch)

Đứng trên cửa động, phóng tầm mắt nhìn ngược dòng sông Mã cả một cảnh trời đất, sông nước mênh mông. Được thả tầm mắt ngắm nhìn ngọn sóng nước sông Mã lô xô đuổi nhau, được nghe tiếng chuông chùa âm vang trên đỉnh núi, quả thật, tức cảnh mà sinh tình, sinh thơ cũng là điều dễ hiểu.

Không chỉ nổi tiếng linh thiêng, chùa còn là căn cứ địa của nghĩa quân Tống Duy Tân, Hà Văn Mao trong phong trào Cần Vương đầu thế kỷ 20; đồng thời khu vực hang động trong quần thể di tích núi Màu (Diệu Sơn) còn là nơi sản xuất vũ khí của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng không quên mời: "Năm tới, vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch, các cô về đây dự lễ hội chùa Màu với chúng tôi. Đó là những ngày thôn rộn ràng tưng bừng. Qua mỗi năm, không chỉ chúng tôi mà thế hệ con cháu càng trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp của di tích danh lam thắng cảnh quê hương, từ đó phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, đến đây vào những ngày xuân, ăn cá trắm sông Mã hấp lá đu đủ, gà đồi thịt giòn và ngọt, ếch hấp củ chuối... uống vài ly rượu và nghe những câu hát ngọt ngào chắc chắn du khách sẽ ấm lòng".

Được thiên nhiên ưu đãi, người dân thôn Vân Quan có điều kiện trồng cây hoa màu, trong đó cây cà xanh, cà trắng đã được xuất bán khắp nơi, trong và ngoài tỉnh. Với sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, từ một làng quê nghèo, dân cư thưa thớt đến nay thôn có 226 hộ dân/847 nhân khẩu, với thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Mạnh Hồng thông tin: Từ khi được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, người dân đã xây dựng thành công các mô hình khu dân cư “Tự quản bảo vệ môi trường” và khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Trên đất xã Cẩm Vân nói chung và làng Vân Quan nói riêng, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi tích cực theo năm tháng.

Bài và ảnh: Chi Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dieu-son-nbsp-non-nuoc-thanh-u-38313.htm
Zalo