Điện mặt trời ban công, mô hình thành công tại Đức
Tại Đức, thay vì điện mặt trời mái nhà, người dân đang lựa chọn lắp đặt trên ban công.
Waltraud Berg, một người phụ nữ đã nghỉ hưu, vừa mua và tự lắp một tấm pin mặt trời trên ban công căn hộ hướng Nam tại Berlin (Đức). “Một người già như tôi cũng có thể tự tạo ra năng lượng. Không cần phải khoan, đóng búa hay vất vả lắp đặt, chỉ cần treo lên ban công như quần áo vậy”, bà nói.
Mỗi tấm pin điện mặt trời chỉ tạo ra một lượng điện đủ để sạc máy tính xách tay, hay chạy chiếc tủ lạnh nhỏ. Trên khắp nước Đức, những tấm pin mặt trời ban công tạo ra sự chuyển đổi âm thầm, đưa cuộc cách mạng xanh vào từng gia đình mà không yêu cầu phải đầu tư lớn hay các lắp đặt cầu kỳ.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNetzA), số lượng tấm pin điện mặt trời ban công hộ gia đình ở Đức đã vượt quá 700.000, tính đến ngày 2/10, tăng gấp đôi từ đầu năm 2024. Qua đó nâng công suất lắp đặt của điện mặt trời PV ban công lên 600 MW.
Trong quý III năm nay, khoảng 140.000 tấm pin điện mặt trời ban công đăng ký. Điện mặt trời ban công chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số công suất điện mặt trời tại Đức (83GW vào cuối năm 2023). Tuy nhiên, những tấm pin điện mặt trời này chỉ ra rằng nhiều sự thay đổi nhỏ có thể dẫn tới tương lai xanh.
Peter Stratmann, người đứng đầu bộ phận năng lượng tái tạo tại Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cho biết, ngay cả lắp đặt các tấm pin mặt trời tất cả ban công trên cả nước cũng chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu năng lượng chung. Nhưng nhiều người Đức đã nhận thức được cuộc khủng hoảng năng lượng và môi trường không giải quyết bằng một giải pháp duy nhất, mà bằng vô số những sáng kiến nhỏ, giải pháp nhỏ.
Helena Holenweger, người đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà để xe, dẫn chứng: “Những tấm pin mặt trời là ví dụ cụ thể để người dân có thể thấy quá trình chuyển đổi năng lượng một cách cụ thể. Đây không phải là vấn đề to tát, trừu tượng mà gắn liền với cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình”.
Bộ sản phẩm bao gồm hai tấm pin quang điện, cáp và một bộ biến tần. Các tấm pin lắp vào hệ thống, kết nối với bộ biến tầng bằng cáp. Điện mặt trời được chuyển đổi từ dòng điện một chiều thành xoay chiều, cung cấp cho ổ cắm điện trong gia đình.
So với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, giải pháp thay thế trên ban công này có một số ưu điểm như dễ lắp đặt, nhỏ gọn mang đi khi chuyển nhà. Không chỉ chủ nhà mà người thuê nhà cũng lắp đặt được. Chính phủ Đức đơn giản hóa các quy định, giúp người dân dễ dàng lắp đặt các hệ thống này mà không cần giấy phép.
Về hiệu quả chi phí, điện mặt trời trên ban công là giải pháp khả thi về mặt tài chính cho nhiều người dân. Cơ quan chức năng Berlin hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt. Tự tạo ra năng lượng sạch, người dân tiết kiệm được chi phí tiêu dùng điện, vừa giảm sự phụ thuộc vào lưới điện, qua đó giảm lượng khí thải carbon.
Triển khai điện mặt trời ban công phù hợp với tầm nhìn đầy tham vọng của Đức. Quốc gia này đặt mục tiêu đạt 80% năng lượng tái tạo trong tổng mức tiêu thụ điện vào năm 2030. Năng lượng tái tạo chiếm 57% sản lượng điện của cả nước trong nửa đầu năm nay.
Theo các chuyên gia, vẫn còn một số vấn đề mà các nước khác chưa thể áp dụng phát triển điện mặt trời ban công như tại Đức, như lo ngại về tính ổn định của lưới điện, không kiểm soát được công suất nguồn điện. Ngoài ra, công suất nhỏ so với điện mặt trời mái nhà, người dân không thấy hữu ích.
(Dịch tổng hợp)