Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2025: Kiến tạo tương lai
Ngày 13/7, tại tỉnh Lạng Sơn, Trung ương Đoàn - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông bắc Bộ với chủ đề 'Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt'.
Tham dự diễn đàn có ông Hoàng Bình Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đại diện lãnh đạo ban ngành, đoàn thể trung ương, địa phương.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Duy Chiến.
Với chủ đề “Kiến tạo tương lai” Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) năm 2025, vòng địa phương cụm miền núi Đông bắc bộ (gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) được coi là hoạt động trọng điểm nhằm hưởng ứng "bộ tứ trụ cột" định hướng chiến lược gồm Nghị quyết số 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68, với mục tiêu đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Ông Hoàng Bình Quân - Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (giữa) phát biểu, điều hành Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 tại Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến
Vòng địa phương cụm miền núi Đông bắc bộ tại Lạng Sơn được thiết kế toàn diện hơn, mở rộng quy mô và chiều sâu, đồng thời hướng tới xây dựng một hệ sinh thái đối thoại chính sách quốc gia có tính kế thừa, phản biện và đề xuất rõ ràng, góp phần kiến tạo một môi trường phát triển minh bạch, bền vững và khai phóng mọi tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Anh La Giang Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn, Cụm trưởng Cụm miền núi Đông Bắc Bộ phát biểu khai mạc. Ảnh: Duy Chiến.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh La Giang Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lạng Sơn, Cụm trưởng Cụm miền núi Đông Bắc Bộ, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khu vực miền núi Đông Bắc là vùng đất mang trong mình nhiều tiềm năng: từ kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp bản địa, đến du lịch văn hóa – sinh thái… . Tuy nhiên, để phát triển, cần những cơ chế linh hoạt, cần doanh nhân dấn thân và cần các chính sách thực sự phù hợp với thực tiễn vùng miền.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 được thiết kế theo cấu trúc ba vòng liên thông: Vòng đối thoại cấp địa phương, Vòng đối thoại cấp bộ, ngành và Vòng đối thoại cấp cao. Mô hình này giúp kết nối trực tiếp tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân với hệ thống hoạch định chính sách, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái phản biện – đề xuất – hành động mang tính thực chất. Lợi thế đặc biệt của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là có mạng lưới tổ chức Hội tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 20 ngàn Hội viên. Đây chính là nền tảng để chúng tôi tổ chức đối thoại rộng khắp, lắng nghe đa chiều và phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Anh Hoàng Công Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn phát biểu tại diễn đàn.
Phiên tọa đàm tại Diễn đàn ghi nhận các tham luận từ các Hội Doanh nhân trẻ tỉnh thành trong Cụm. Các ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề như: Phát triển logistics cửa khẩu và công nghiệp chế biến gắn với tài nguyên bản địa; Chính sách tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ tại miền núi; Tận dụng chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách vùng sâu vùng xa; Liên kết phát triển du lịch sinh thái – văn hóa – cộng đồng…. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có các ý kiến hiến kế để khu vực miền núi không bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình số hóa và hội nhập.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. GRDP năm 2024 tăng 7,8%, ước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 8,37% vượt so với chỉ tiêu trung ương giao; tổng thu NSNN và kim ngạch XNK luôn đạt mục tiêu đề ra với số thu năm sau cao hơn năm trước.

Ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại diễn đàn.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong nhiều năm có sự cải thiện rõ rệt, nằm trong Top 30/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất; hằng năm thành lập mới bình quân trên 500 doanh nghiệp…
Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là sự đóng góp của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho sự phát triển chung của tỉnh (bình quân hằng năm khu vực KTTN đóng góp khoảng 63% vào GRDP của tỉnh, khoảng 15% nguồn thu cho NSNN)
Tại tọa đàm, ông Sơn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân trẻ tích cực tham gia chia sẻ những ý kiến, đề xuất thiết thực; đồng thời cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực chuyển đổi số, đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, kết nối, hỗ trợ hội viên; kiến tạo không gian đối thoại hiệu quả với chính quyền; đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần doanh nhân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thế hệ trẻ.
Các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, cần tăng cường đối thoại công - tư, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo trong thực thi công vụ; triển khai hiệu quả các kế hoạch của tỉnh về 4 Nghị quyết trụ cột của Trung ương.
“Về phía chính quyền, tỉnh Lang Sơn cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng. Chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh chính sách cho phù hợp”, ông Sơn nói.
Vòng đối thoại địa phương sẽ tiếp tục được tổ chức tại các cụm kinh tế trọng điểm trong thời gian tới. Các nội dung, sáng kiến và kiến nghị tại vòng đối thoại khu vực miền núi Đông Bắc bộ sẽ được tổng hợp vào Sách trắng Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025 và trình bày tại phiên toàn thể cấp Chính phủ, dự kiến diễn ra ngày 15-16/9/2025.
Trước đó, chiều 12/7, diễn ra Tọa đàm "Xây dựng và phát triển tổ chức hội doanh nhân trẻ các tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ". Tại đây, các đại biểu tham dự đã tập trung chia sẻ thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng và phát triển tổ chức hội; những phương thức hoạt động hiệu quả trong mô hình tổ chức và hoạt động của một số địa phương; khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập; phương thức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp hội viên trong hệ sinh thái doanh nhân trẻ Việt Nam…
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Hội DNT Việt Nam đã trao tặng 30 phần quà (trị giá 2 triệu đồng tiền mặt/suất cùng quà hiện vật) cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; trao tặng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với 02 hộ gia đình (tổng trị giá 140 triệu đồng).
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng quà cho các gia đình chính sách tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến